Tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động nông thôn (LĐNT), các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT, từng bước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Tường phối hợp với Trung tâm GDNN -GDTX huyện tổ chức lớp sơ cấp nghề nuôi và phòng trị bệnh cho bò tại xã Vĩnh Thịnh. Ảnh: Kim Ly
Với mong muốn có thêm kiến thức, kỹ năng áp dụng vào chăn nuôi đàn bò của gia đình, chị Vũ Xuân Thu, thôn An Thượng, xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) đã đăng ký tham gia lớp sơ cấp nghề nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò do Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện tổ chức.
Chị Thu cho biết: Trong 3 tháng học tập, tôi được cung cấp, trang bị những kiến thức, kỹ năng chăn nuôi, cách chọn con giống, thức ăn, phương pháp chăm sóc đàn trâu, bò đúng quy trình kỹ thuật; xác định nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng, trị bệnh thường gặp ở trâu, bò. Phần lớn thời gian học, tôi được thực hành, tìm hiểu thực tế tại các chuồng, trại, khu vực chăn nuôi của một số thành viên trong lớp; trao đổi, chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm để giúp đàn vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.
Tạo sinh kế bền vững cho LĐNT, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở NN&PTNT cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đào tạo nghề cho LĐNT đối với phát triển KT - XH, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nâng cao dân trí và đời sống của người dân nông thôn; về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác đào tạo nghề cho LĐNT và sự chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời tổ chức rà soát nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển KT - XH, nhu cầu học nghề, việc làm của người dân.
Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh tổ chức đào tạo cho hơn 2.100 LĐNT học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 6,4 tỷ đồng. Các lớp đào tạo nghề cho LĐNT được tổ chức theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của địa phương, nhu cầu của người học.
Trong quá trình đào tạo, ưu tiên thời lượng các tiết học để học viên được quan sát, thực hành từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ mới, chuyển giao các kỹ thuật và quy trình sản xuất mới, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong đào tạo nghề cho LĐNT, đào tạo các nhóm ngành, nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, các vùng chuyên canh; quan tâm giáo dục đạo đức nghề nghiệp, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật, kinh doanh, khởi nghiệp, các kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo cho LĐNT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Năm 2024, các sở, ngành, đơn vị đã tổ chức hơn 495 lớp tập huấn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, giúp người dân thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm từ sản xuất theo kinh nghiệm sang sản xuất theo quy trình kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Công tác đào tạo nghề cho LĐNT từng bước được đổi mới toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Sau đào tạo, 80% học viên có việc làm, thu nhập ổn định. Số LĐNT trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng chủ yếu học nghề để phát triển nghề sẵn có và chuyển đổi nghề sau đào tạo.
Một số học viên sau khi tốt nghiệp được doanh nghiệp tuyển dụng với mức thu nhập cao hơn làm nông nghiệp; một số nghề, sản phẩm làm ra được bao tiêu theo tiêu chuẩn OCOP. Năm 2024, thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 63 triệu đồng/người, tăng 1,3 lần so với năm 2020.
Phấn đấu đến năm 2030, bình quân mỗi năm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh và đào tạo cho 20.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87%, trong đó tỷ lệ lao động có văn bằng, chứng chỉ đạt 48%, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đào tạo nghề cho LĐNT.
Trong đó tập trung đổi mới phương thức giao chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, phân bổ ngân sách gắn với kết quả đầu ra; xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, nhu cầu của người học…
Đa dạng hóa, linh hoạt các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác đào tạo nghề cho LĐNT; tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo LĐNT…
Phương Anh