Ngày 12/2 (tức ngày Rằm tháng Giêng), UBND xã Yên Thạch, huyện Sông Lô tổ chức Lễ hội Khai Xuân - Khai Sắc Đền Bạch.
Đền Bạch (hay còn gọi là Đền Yên Thạch) là nơi thờ vọng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – vị lãnh đạo tài ba của quân dân Đại Việt chống giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII.
Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn. Theo truyền thuyết, từ nhỏ, Trần Quốc Tuấn đã ham thích trò chơi đánh trận, 6 tuổi biết làm thơ. Lớn lên, học vấn rất uyên bác, vừa giỏi văn chương vừa hiểu thấu lục thao tam lược, cưỡi ngựa, bắn cung đều thành thạo.
Các đại biểu dâng hương làm lễ tại Đền Bạch.
Năm 1257, quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần đầu, ông được cử cầm quân giữ biên thùy phía Bắc. 30 năm sau, trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông (năm 1285) và (1287-1288), ông lại được đề bạt làm Tiết chế Thống lĩnh toàn quân và đã giành thắng lợi lẫy lừng, đánh tan quân Nguyên ra khỏi bờ cõi đất nước.
Là một vị tướng tài kiêm văn võ, luôn đề cao vai trò quan trọng của nhân dân, Trần Hưng Đạo đã đề ra một đường lối quân sự ưu việt, có tính chất nhân dân, tiêu biểu là hai cuộc rút lui chiến lược khỏi Kinh thành Thăng Long, tránh cho nhà Trần những tổn thất lớn và tạo thời cơ bẻ gãy lực lượng của địch.
Người dân địa phương tiến lễ cầu cho người người được ấm no, nhà nhà hạnh phúc.
Những kế hoạch làm “vườn không nhà trống” trên khắp các nẻo đường mà giặc đi qua, những hoạt động phối hợp nhịp nhàng giữa hương binh và quân đội chính quy của nhà nước, những trận phục kích lừng danh như trận Bạch Đằng đã làm cho tên tuổi của ông sống mãi. Ngay đến kẻ thù cũng phải nhắc đến Hưng Đạo Vương với niềm nể trọng.
Bên cạnh tư tưởng quân sự kiệt xuất, Trần Quốc Tuấn còn là tấm gương về lòng trung nghĩa sáng suốt, biết gạt bỏ mọi hiềm khích riêng để đoàn kết các tôn thất và tướng tá trong triều nhằm phò vua giúp nước, đánh bại kẻ thù. Sau khi mất, ông được triều đình phong tặng Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công, Nhân võ Hưng Đạo Đại Vương.
Đền Bạch được xây dựng trên khu đất cao, hướng chính Nam với ba gian chính. Năm 1926, đền được trùng tu lại toàn bộ vững chắc và bề thế hơn. Do thời gian, các hạng mục trong đền bị hư hỏng, chính quyền và nhân dân xây dựng, tu sửa lại các hạng mục chính của công trình.
Năm 1995, Đền Bạch được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và tiếp tục tôn tạo, tu bổ bằng nguồn xã hội hóa để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân.
Đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham gia lễ hội.
Tưởng nhớ công lao của Hưng Đạo Đại Vương, hằng năm, người dân xã Yên Thạch tổ chức lễ hội Khai Xuân – Khai Sắc vào các ngày 14, 15, 16 tháng Giêng âm lịch với nhiều nghi lễ truyền thống, hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương về dự hội.
Lễ hội Khai Xuân – Khai Sắc trở thành nét văn hóa truyền thống để nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của vị Anh hùng dân tộc có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Lễ hội cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an, mùa màng bội thu, tạo không khí vui tươi những ngày đầu Xuân, qua đó thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.
Tin, ảnh: Hà Trần