Trải qua 75 năm thành lập, từ một tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động của khu vực Bắc Bộ. Xác định việc xây dựng đội ngũ lao động có chất lượng cao chính là chìa khóa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) để xây dựng nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao, tạo nền tảng thúc đẩy năng suất lao động, nâng cao khả năng sáng tạo và cải tiến công nghệ, giúp nền kinh tế của tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trường cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Ảnh: Trà Hương
Tỉnh chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tác động của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các chủ trương, chính sách, sự quan tâm đầu tư của tỉnh và các doanh nghiệp đến công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
Cùng đó, tỉnh tiến hành rà soát, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN đảm bảo tinh gọn và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 29 cơ sở GDNN, gồm 5 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp tư thục, 12 trung tâm GDNN, 7 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện và 2 cơ sở khác có hoạt động GDNN.
Các cơ sở GDNN được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất theo hướng ngày càng hiện đại, cơ bản đáp ứng quy mô, nhu cầu và trình độ đào tạo nghề. Các cấp, ngành chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.700 giáo viên, giảng viên đang giảng dạy tại các cơ sở GDNN.
Nhờ thường xuyên được tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ nhà giáo GDNN cơ bản đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ với hơn 68% có trình độ đại học và trên đại học, đáp ứng yêu cầu đào tạo GDNN.
Đặc biệt, đội ngũ nhà giáo GDNN ngày càng trẻ hóa, có ưu thế trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, theo kịp xu hướng phát triển.
Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch với những chính sách khuyến khích hoạt động đào tạo nhân lực chất lượng cao như hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh GDNN...
Điển hình như Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong GDNN, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; chính sách vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ một số chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2022 - 2025...
Nhờ đó, tổng quy mô tuyển sinh hằng năm của các cơ sở GDNN là hơn 41.000 học sinh, sinh viên (HSSV), trong đó, trình độ cao đẳng gần 4.500 HSSV; trình độ trung cấp hơn 8.000 HSSV; trình độ sơ cấp hơn 28.500 HSSV.
Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng việc đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo nghề. Các cơ sở GDNN phối hợp với doanh nghiệp rà soát, cập nhật nội dung đào tạo, bảo đảm tính thực tiễn, sát với nhu cầu thị trường lao động.
Chương trình đào tạo nghề được thiết kế với tỷ lệ thời gian thực hành chiếm từ 50-70%. HSSV được thực tập trực tiếp tại doanh nghiệp để hình thành kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực tế và thái độ nghề nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Việc gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp góp phần rất lớn trong việc giảm kinh phí và nâng cao chất lượng đào tạo, giúp HSSV nâng cao tay nghề và tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, nhiều cơ sở GDNN như Trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc (nay là Trường cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Vĩnh Phúc), Trường cao đẳng nghề Cơ khí nông nghiệp, Trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1, Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại đã tiếp nhận chuyển giao từ các nước Úc, Đức, Pháp, Nhật và triển khai đào tạo thí điểm theo chuẩn quốc tế trình độ cao đẳng các nghề: công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, hàn với hàng nghìn HSSV theo học…
Với các giải pháp đồng bộ, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao. Từ năm 2014 - 2024, HSSV các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã giành được 49 giải tại các kỳ thi tay nghề quốc gia, khu vực và quốc tế.
Hằng năm, tỷ lệ HSSV tốt nghiệp đạt loại giỏi, khá đạt hơn 65%; tỷ lệ HSSV có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt hơn 85%. Năm 2024, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt hơn 81%.
HSSV các cơ sở GDNN tốt nghiệp ra trường cơ bản đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp và tăng tỷ trọng lao động ngành công nghiệp, dịch vụ.
Với tầm nhìn chiến lược, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác GDNN, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành và lĩnh vực.
Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 1 cơ sở GDNN chất lượng cao; có 10 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 1 - 2 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN. Đến năm 2045, tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu về nhân lực có kỹ năng nghề cao của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế… tạo nền tảng để Vĩnh Phúc phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Minh Hường