Với hàng triệu bạn trẻ đăng ký tham gia giành danh hiệu, trong đó có hàng nghìn “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương, phong trào lớn cùng tên ngày càng thể hiện vai trò chủ đạo trong xây dựng thế hệ sinh viên toàn diện, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Thế nhưng, mức độ nhận diện và sự ghi nhận, đánh giá về phong trào hiện vẫn còn những hạn chế.
Các bạn trẻ tham gia Ngày hội Học sinh, sinh viên toàn quốc năm 2025.
Năm 2009, từ nền tảng phong trào “Sinh viên 3 tốt”, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã nhân rộng, triển khai thành Cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt” trên phạm vi cả nước. Đến năm 2013, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ IX, phong trào “Sinh viên 3 tốt” chính thức đổi tên thành “Sinh viên 5 tốt”, nhằm đẩy mạnh xây dựng thế hệ sinh viên toàn diện, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao. Sau hơn 10 năm, phong trào đã thu hút đông đảo sinh viên đăng ký phấn đấu giành danh hiệu, khẳng định được vai trò đồng hành, hỗ trợ của tổ chức Hội Sinh viên Việt Nam trong học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp của sinh viên.
Theo thống kê, giai đoạn 2018-2023, hơn hai triệu bạn trẻ đăng ký tham gia giành danh hiệu, trong đó, có khoảng 100 nghìn “Sinh viên 5 tốt” cấp trường, gần 10 nghìn “Sinh viên 5 tốt” cấp tỉnh và 1.094 “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương. Riêng năm học 2023-2024 vừa qua, cả nước có 375 “Sinh viên 5 tốt”, 57 “Tập thể Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương và 112 sinh viên là cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên nhận Giải thưởng “Sao tháng Giêng”. Những “Sinh viên 5 tốt” không chỉ đại diện cho khát vọng vươn lên, học tập, rèn luyện, hội nhập không ngừng của tuổi trẻ thời kỳ mới, niềm tự hào của gia đình, nhà trường, bạn bè đồng trang lứa và toàn cộng đồng, mà còn là minh chứng cho quá trình tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Hội Sinh viên các cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, mức độ nhận diện cũng như sự ghi nhận, đánh giá về phong trào “Sinh viên 5 tốt” vẫn còn chưa tương xứng, quá trình triển khai còn không ít hạn chế. Công tác tuyên truyền về phong trào ở nhiều đơn vị còn thiếu lộ trình, kế hoạch bài bản, khiến một bộ phận sinh viên còn chưa biết đến khái niệm “Sinh viên 5 tốt”. Có những bạn trẻ nghĩ đây đơn thuần là một dạng khen thưởng thành tích cá nhân, hoặc còn phân vân, băn khoăn việc trở thành “Sinh viên 5 tốt” sẽ được gì?
Bên cạnh đó, một số đơn vị dù có nhận thức, tinh thần phát triển phong trào, nhưng khi triển khai các hoạt động tạo môi trường để sinh viên rèn luyện, phấn đấu giành danh hiệu lại lúng túng, chậm trễ, thiếu giải pháp đồng bộ, thậm chí sa vào hình thức. Trong khi đó, chương trình đào tạo ở khu vực trường học của nước ta ngày càng được rút ngắn, khiến sinh viên cần tập trung hơn cho việc học tập. Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam đã có những định hướng gắn phong trào với mục tiêu, triết lý giáo dục của nhà trường, nhưng một số Hội Sinh viên cấp trường chưa vận dụng triệt để, chưa tư duy, sáng tạo lồng ghép việc phấn đấu giành danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” phù hợp điều kiện thực tế…
Vì vậy, để tránh hiện tượng “cào bằng”, áp đặt theo hình thức “chỉ tiêu” khiến các bạn trẻ không hiểu rõ, xa rời phong trào, Hội Sinh viên các cấp có thể đưa ra những giải pháp linh hoạt để ghi nhận nỗ lực của sinh viên theo hướng từng bước nâng dần từ “3 tốt”, “4 tốt” lên cao hơn; đồng thời cần thường xuyên lắng nghe, thăm dò ý kiến, thu thập sáng kiến, ý tưởng phát huy phong trào từ chính các bạn trẻ đang ngồi ghế giảng đường.
Không những vậy, Hội Sinh viên các cấp cũng cần mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, huy động sự tham gia, đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp để phong trào không chỉ dừng lại ở việc khen thưởng, thay vào đó là tạo cơ hội thực tập, việc làm cụ thể cho các bạn trẻ sau khi giành danh hiệu. Có như vậy, “Sinh viên 5 tốt” mới mang dấu ấn riêng, thật sự trở thành động lực, thương hiệu, hành trang để lực lượng sinh viên tự tin thể hiện tài năng, mạnh dạn khởi nghiệp, hăng say lao động, xa hơn là cống hiến sức trẻ, mang hoài bão, khát vọng đi xây dựng, phát triển Tổ quốc.
Vũ Hương (Theo nhandan.vn)