Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành nhiều tình cảm và sự quan tâm đến Vĩnh Phúc. Người đã có 8 lần về thăm tỉnh, đặc biệt, trong lần thăm ngày 2/3/1963, Người căn dặn “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”. Thực hiện lời căn dặn của Người, hơn 61 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, vượt qua khó khăn, đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển và vùng đất đáng sống.
Sau hơn 27 năm phát triển, Vĩnh Phúc vươn mình trở thành trung tâm công nghiệp của khu vực và cả nước, kinh tế tăng trưởng ổn định, đời sống người dân được nâng cao. (Trong ảnh: Sản xuất xe máy tay ga cao cấp tại Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, KCN Bình Xuyên). Ảnh: Đức Chung
Gần 87 năm tuổi đời, 58 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Quang Tỉnh, tổ dân phố Mậu Thông, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) vui mừng trước sự đổi mới và phát triển mạnh mẽ của tỉnh.
Đặc biệt, vẻ đẹp của thành phố Vĩnh Yên với hệ thống cây xanh được trồng khắp các tuyến phố, công viên, tạo nên bầu không khí thoáng mát và trong lành. Khu công viên Quảng trường Hồ Chí Minh của tỉnh không chỉ là điểm nhấn trước cửa ngõ vào trung tâm thành phố, đầu mối giao thông đối ngoại mà còn tạo lập một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, một không gian xanh trong lòng đô thị Vĩnh Yên.
Không chỉ ở Vĩnh Yên, về bất cứ địa phương nào ở Vĩnh Phúc, chúng ta đều bắt gặp những tuyến đường xanh, sạch, đẹp; những tuyến “phố trong làng” mang dáng dấp đô thị hiện đại; người dân tập thể dục sau một ngày làm việc, các em nhỏ vui chơi ở các nhà văn hóa... tạo nên bức tranh cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc của người dân.
Năm 1997, khi tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc có điểm xuất phát thấp với tỷ trọng nông nghiệp chiếm tới hơn một nửa, công nghiệp chỉ chiếm khoảng 12% trong cơ cấu GDP; thu ngân sách hằng năm dưới 100 tỷ đồng và phải nhờ sự trợ cấp của Trung ương, đời sống nhân dân gặp không ít khó khăn; giá trị GRDP bình quân đầu người chỉ đạt 2,18 triệu đồng.
Dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực sẵn có, Vĩnh Phúc xác định phương châm phát triển kinh tế là lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng. Đây được coi là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt hành trình hơn 2 thập kỷ xây dựng và phát triển của tỉnh.
Đến nay, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh có kinh tế phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, có năm tăng hơn 20%. Giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,42%/năm; giá trị GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 130,5 triệu đồng.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng trưởng rõ rệt theo từng năm, từng giai đoạn với nhiều dấu mốc quan trọng và luôn nằm trong tốp các tỉnh có số thu ngân sách cao nhất cả nước.
Năm 1997, thu ngân sách của tỉnh chưa đến 100 tỷ đồng, đến năm 2002 vượt mốc 1.000 tỷ đồng, từ năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết về ngân sách Trung ương.
Đặc biệt, thu ngân sách năm 2019 đạt trên 35.000 tỷ đồng, là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; năm 2023, thu ngân sách đạt hơn 31 nghìn tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt gần 26 nghìn tỷ đồng và nằm trong top 8 tỉnh có số thu nội địa cao nhất nước.
Các chỉ số về thu nhập, đời sống người dân đều nằm trong top 10 tỉnh có chỉ số tốt nhất cả nước, trong đó, chỉ số phát triển con người (HDI), GRDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người đều đứng thứ 9 cả nước.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt theo hướng đồng bộ, hiện đại, 100% các tuyến quốc lộ được nhựa hóa; tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua tỉnh với 5 nút giao là điều kiện thuận lợi kết nối với các tỉnh phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng.
Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ được cứng hóa 100%; các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp; tỉnh đã thực hiện kiên cố hóa trên 95% tuyến giao thông nông thôn và 65% đường giao thông nội đồng.
Với phương châm “Lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân”, tỉnh đề ra nhiều giải pháp cụ thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Theo thống kê, mức chi cho các đối tượng an sinh xã hội của tỉnh được phủ kín và mở rộng, cao hơn từ 1,2-1,3 lần so với toàn quốc. Chi đảm bảo an sinh xã hội từ ngân sách Nhà nước 3 năm gần đây cao hơn trung bình cả nước. Cụ thể, năm 2021 gần 700 tỷ đồng; năm 2022 gần 900 tỷ đồng. Riêng năm 2013, tỉnh đã bố trí ngân sách chi đảm bảo an sinh xã hội tăng 1,13 lần so với năm 2022 và gấp 4,45 lần so với năm 2021.
Riêng Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngoài các phần quà của Trung ương dành cho các đối tượng chính sách, tỉnh dành nguồn kinh phí hơn 38 tỷ đồng hỗ trợ, tặng quà người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Phúc cũng là một trong những tỉnh đầu tiên ban hành chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện tăng từ 95,03% năm 2020 lên hơn 95,47% năm 2023; góp phần rút ngắn khoảng cách bao phủ bảo hiểm y tế ở nhiều nhóm đối tượng, giúp người dân giảm bớt chi phí khi tham gia bảo hiểm y tế, thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tỉnh đã triển khai Đề án xây dựng mô hình “Làng văn hóa kiểu mẫu”, đến nay đã hoàn thành 28 khu thiết chế văn hóa - thể thao, tạo nên những quần thể văn hóa, thể thao, thương mại, dịch vụ có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo thành điểm nhấn ở các vùng nông thôn trong tỉnh.
Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, du lịch, xây dựng đời sống văn hóa đang đi vào cuộc sống. Toàn tỉnh đã duy trì hơn 2.700 câu lạc bộ thể thao quần chúng và hàng nghìn câu lạc bộ dân ca, dân vũ. Các thiết chế văn hóa, các nhà văn hóa được khai thác tối đa công năng sử dụng và trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng của nhân dân.
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh giảm còn 0,61% (tỷ lệ hộ nghèo vượt trước 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 -2025 đề ra); chỉ số phát triển con người đứng thứ 9, chỉ số nhà ở/người dân đứng thứ 2 và số ô tô của người dân nhiều thứ 5 toàn quốc... Điều này cho thấy, Vĩnh Phúc thực sự ngày càng phát triển, giàu có, phồn vinh.
Mai Liên