Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là “bệ đỡ” giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, linh hoạt trong điều hành, ban hành chính sách đặc thù, tập trung tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn… góp phần khơi thông nguồn lực, tạo môi trường ổn định cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Tập trung cải cách hành chính, đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lượng
Với tinh thần tiên phong, đổi mới và phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp”, những năm qua, tỉnh luôn ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.
Hằng năm, trên cơ sở chiến lược tổng thể của quốc gia và những tiềm năng, lợi thế, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, cập nhật các điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ; thường xuyên đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương điều chỉnh, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện không còn phù hợp.
Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ về cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC); tích cực hiện đại hóa nền hành chính công, minh bạch các quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC với cơ quan Nhà nước.
Thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan liên quan, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, dự án trọng điểm; đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ về tín dụng, thuế, lệ phí, tiếp cận đất đai… giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 31 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn năm 2025. Xem xét giao đất theo tiến độ giải phóng mặt bằng đối với các dự án khác để phát triển KT-XH như khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao trong thời gian được miễn tiền thuê đất theo quy định…
Sở Tài chính phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và Trung tâm Xúc tiến đầu tư hỗ trợ hơn 5.000 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư và công ty tư vấn trong việc tiếp cận môi trường đầu tư, hoàn thiện thủ tục đăng ký kinh doanh cũng như tìm hiểu cơ hội hợp tác.
Nhiều tập đoàn danh tiếng như Imarket, FPT, Aeon, Công ty Luật Lee&Ko (Hàn Quốc) và Tập đoàn Sumitomo đã trực tiếp đến Vĩnh Phúc để khảo sát địa điểm, nghiên cứu môi trường đầu tư và thảo luận các cơ hội hợp tác chiến lược. So với cùng kỳ năm trước, số lượng nhà đầu tư quan tâm đến các lĩnh vực hạ tầng xã hội, thương mại, dịch vụ, y tế và giáo dục tăng đáng kể, phản ánh sức hút ngày càng lớn của tỉnh.
Bên cạnh đó, căn cứ tình hình Chính phủ Hoa Kỳ công bố áp dụng mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, nguy cơ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng, thu ngân sách...
Để chủ động ứng phó với tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành liên quan nhằm đánh giá tác động của chính sách thuế mới từ phía Hoa Kỳ đối với hoạt động sản xuất - xuất khẩu của tỉnh. Đồng thời, tìm hiểu khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, duy trì thị trường xuất khẩu và kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 949 doanh nghiệp giải thể, tạm dừng kinh doanh, tăng 29,82% so với cùng kỳ năm 2024. Bên cạnh đó, điểm số và thứ hạng của Vĩnh Phúc trên các bảng xếp hạng cấp quốc gia như: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước(SIPAS), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)… liên tiếp sụt giảm, ảnh hưởng đến uy tín, năng lực điều hành của các cấp chính quyền cũng như hình ảnh môi trường đầu tư của tỉnh.
Vĩnh Phúc luôn ưu tiên, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Ảnh: Nguyễn Lượng
Để duy trì đà tăng trưởng, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 11 về việc chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, khắc phục hạn chế, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, cơ quan đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế và cải thiện chất lượng điều hành theo từng ngành, lĩnh vực và địa phương.
Công chức, viên chức, người lao động đổi mới mạnh mẽ tư duy hành chính từ kiểm soát sang đồng hành, coi doanh nghiệp là đối tượng “phục vụ” thay vì đối tượng “quản lý”, đảm bảo nguyên tắc “nói đi đôi với làm”.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, tiếp cận đất đai, giảm chi phí gia nhập thị trường; giải quyết kịp thời các vướng mắc, kiến nghị của các nhà đầu tư.
Tập trung cải cách hành chính, đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp. Thúc đẩy triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Phấn đấu đạt mục tiêu giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng ít nhất 10% số doanh nghiệp gia nhập thị trường so với năm 2024; thu hút đầu tư đạt tối thiểu 800 triệu USD vốn FDI và 5.000 tỷ đồng vốn DDI…
Ngọc Lan