Bằng những nỗ lực và giải pháp kiên quyết của lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả... đã phần nào giúp người tiêu dùng có cái nhìn khách quan, lạc quan và đa chiều để tránh hoang mang, tiêu cực. Đây cũng là động thái bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Tuy nhiên, để đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ hàng giả, hàng nhái ra khỏi thị trường là thách thức lớn của cơ quan chức năng và chính mỗi người tiêu dùng bởi đây là “cuộc chiến” không dễ dàng.
Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với lực lượng Công an tỉnh thẩm tra, xác minh, theo dõi hoạt động bán hàng của một số tài khoản trên mạng xã hội. Ảnh: Trường Khanh
Việc hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn trên thị trường không chỉ gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe của người tiêu dùng mà cũng là nguyên nhân làm thất thu thuế của Nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Tuy nhiên, trong “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng nhái hiện nay, các cơ quan chức năng phải đối mặt với không ít khó khăn từ chế tài pháp lý, con người, phương tiện đến thực tế thị trường và sự tinh vi của các đối tượng vi phạm.
Những năm gần đây, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, rất khó có thể phân biệt với hàng thật nên công tác đấu tranh gặp nhiều khó khăn.
Đáng nói, các đối tượng vì lợi ích kinh tế mà bất chấp pháp luật và lương tâm để làm giả đủ loại sản phẩm, nhất là các mặt hàng ăn uống, chữa bệnh, gây bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của cả thế hệ và cộng đồng.
Qua công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng cho thấy, hiện nay, các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu trên địa bàn tỉnh dùng nhiều thủ đoạn để đối phó, gây khó khăn cho lực lượng chức năng như vận chuyển trên các tuyến cao tốc, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử và vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh.
Hàng hóa vi phạm được cất giấu tinh vi lẫn vào hàng hóa hợp pháp, nếu lực lượng chức năng không có phương tiện tháo dỡ, kiểm kê thì khó có thể phát hiện; sử dụng các đối tượng dẫn đường, cảnh giới nhằm né tránh lực lượng kiểm tra, kiểm soát; hợp thức hóa đơn, chứng từ hàng hóa từ các tỉnh biên giới hoặc lợi dụng hóa đơn điện tử để trốn, tránh, lách luật…
Hằng năm, theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực được giao và địa bàn được phân công quản lý, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh truyền thống và thương mại điện tử.
Đồng thời, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật với các hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh và các tầng lớp nhân dân; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn cách phân biệt hàng thật, hàng giả cho các doanh nghiệp và người dân.
Qua đó, tạo chuyển biến sâu rộng, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, trang bị bộ KIT, TEST thử nhanh về an toàn thực phẩm cho lực lượng quản lý thị trường và các đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh để thường xuyên giám sát mức độ an toàn đối với các mặt hàng thực phẩm lưu thông trên thị trường.
Các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương và người dân nắm bắt chặt chẽ tình hình địa bàn, nhất là các địa phương có hoạt động kinh doanh buôn bán sầm uất, nơi trung chuyển hàng hóa lớn hoặc các kho tập kết, sản xuất hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Đến nay, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn diễn ra ở mức độ, quy mô nhỏ lẻ, không lớn. Hàng hóa nhập lậu lưu thông trên địa bàn chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ gia dụng, linh kiện điện tử… thường mua ở Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn đem về bán cho người tiêu dùng trong tỉnh hoặc vận chuyển đi qua địa bàn tỉnh.
Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có diễn ra nhưng ở quy mô nhỏ, lẻ với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trên địa bàn tỉnh cơ bản không có tình trạng bày bán công khai hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ mà hàng hóa vi phạm được các đối tượng kinh doanh tập kết tại các tỉnh, thành phố khác hoặc cất giấu ở các kho, nơi ít người qua lại, tại nhà riêng sau đó lợi dụng hoạt động của thương mại điện tử để kinh doanh (mạng xã hội, sàn thương mại điện tử), vận chuyển qua các công ty bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh đến tận tay người tiêu dùng; trà trộn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng lẫn hàng thật, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.
Trước tình hình diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng buôn bán, sản xuất, tiêu thụ hàng giả, nhất là thực phẩm, ngày 9/5/2025, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3593 tăng cường quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa thực phẩm giả trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra đối với các sản phẩm thực phẩm trên thị trường, tập trung phát hiện các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, kém chất lượng; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhất là thực phẩm chức năng.
Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Một điểm đáng chú ý trong chỉ đạo của UBND tỉnh là bên cạnh chủ động tổ chức kiểm tra định kỳ, các đơn vị chức năng cần triển khai các đợt kiểm tra đột xuất, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định về an toàn thực phẩm đến các cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng; khuyến cáo người dân cẩn thận khi mua hàng online, nên mua sản phẩm từ các kênh bán hàng uy tín, có đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ và chứng nhận chất lượng…
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển thì “cuộc chiến” chống hàng giả, hàng nhái không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, kiến thức, trách nhiệm trong tiêu dùng cũng như ý thức tự giác tố cáo hành vi vi phạm, góp phần làm lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền lợi của chính bản thân mình.
Thái Quỳnh