Với khát vọng làm giàu từ mảnh đất quê hương, khởi nghiệp nông nghiệp đang trở thành lựa chọn của nhiều bạn trẻ trong tỉnh những năm gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh những mô hình thành công, không ít trường hợp vẫn chật vật, thậm chí thất bại vì phải “tự bơi”. Để khởi nghiệp nông nghiệp thành công, nông dân trẻ cần nhiều hơn sự chuẩn bị bài bản và sự đồng hành của các cấp, ngành, địa phương ngay từ đầu.
Mô hình trồng nho kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm của anh Trần Duy Đoan (Sông Lô) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Chu Kiều
Từng là sinh viên Đại học Ngoại thương, nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường, thay vì lựa chọn công việc tại một doanh nghiệp hay cơ quan Nhà nước ở thành phố lớn, anh Trần Duy Đoan (Sông Lô) lại quyết định quay về quê hương, bắt đầu hành trình khởi nghiệp với một dự án nông nghiệp.
Được gia đình ủng hộ, năm 2021, anh đầu tư hệ thống giàn mái che, hệ thống tưới nước tự động để trồng 1.400 gốc nho Hạ đen, xây dựng mô hình vườn nho sinh thái kết hợp giáo dục và du lịch trải nghiệm.
Lựa chọn giống cây trồng vốn được coi là “khó tính” cùng mô hình còn khá mới mẻ tại tỉnh lúc bấy giờ, anh Đoan phải nỗ lực rất nhiều, từ việc dành thời gian tìm hiểu đặc tính của cây, theo dõi, chăm sóc, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho đến quảng bá hình ảnh và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Trước khi trở thành điểm sáng của huyện Sông Lô trong phát triển nông nghiệp gắn với du lịch như hiện nay, anh Đoan từng phải đối mặt với áp lực lớn do thiếu kinh nghiệm, vốn đầu tư, lo sợ thất bại...
Không chỉ riêng anh Đoan, những năm gần đây, ngày càng nhiều bạn trẻ trong tỉnh lựa chọn quay về với nông nghiệp - một hướng đi đáng khích lệ trong bối cảnh nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao ngày càng trở thành xu thế.
Đặc biệt, sau khi Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai thực hiện, các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều, từ trồng rau, quả an toàn, nuôi trồng thủy sản, đến nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch trải nghiệm… Sự xuất hiện của các mô hình này đang góp phần làm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế nông nghiệp.
Dù được đánh giá là lĩnh vực còn giàu tiềm năng phát triển, song khởi nghiệp nông nghiệp tại tỉnh vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Tại Đề án “Phát huy tinh thần và hỗ trợ thanh niên Vĩnh Phúc khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2023 - 2027”, UBND tỉnh đã thẳng thắn chỉ ra: “Hoạt động khởi nghiệp tại tỉnh hiện nay vẫn diễn ra một cách tự phát. Các doanh nghiệp do thanh niên làm chủ chưa có định hướng cụ thể, chưa được qua đào tạo chuyên sâu về khởi nghiệp, càng chưa có kiến thức thực tiễn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn, chưa ứng dụng được công nghệ kỹ thuật và công nghệ thông tin vào quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm”.
Phần lớn những người bắt đầu khởi nghiệp đều gặp phải bài toán quen thuộc: Thiếu vốn, thiếu kỹ thuật chuyên sâu, thiếu định hướng thị trường và quan trọng nhất là thiếu người đồng hành. Đặc biệt, khởi nghiệp nông nghiệp là lĩnh vực nhiều thách thức khi rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh, đầu ra bấp bênh… luôn hiện hữu.
Nhận thức rõ vai trò của nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững, những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực nhằm đồng hành cùng các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp trong lĩnh vực này.
Thông qua Chương trình OCOP, nhiều chủ thể đã được hỗ trợ tư vấn, tập huấn về kỹ năng xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì, kết nối thị trường và tạo điều kiện tham gia các hội chợ, triển lãm nông sản trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp như cơ cấu lại ngành, nâng cao thu nhập cho nông dân; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất.
Nhiều đề án hỗ trợ khởi nghiệp cũng được xây dựng như: Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; Đề án “Phát huy tinh thần và hỗ trợ thanh niên Vĩnh Phúc khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2023 - 2027”… với nhiều nội dung thiết thực như hỗ trợ vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo kỹ năng marketing, xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm…
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp vẫn chưa tiếp cận được các chương trình hỗ trợ, nguồn vốn ưu đãi hay các khóa đào tạo kỹ năng... Một phần do thông tin hỗ trợ chưa đến đúng đối tượng; phần khác do bản thân người khởi nghiệp chưa chủ động tìm hiểu, tận dụng nguồn lực sẵn có. Điều này khiến họ vẫn phải tự mày mò, vừa làm vừa học, thậm chí trả giá bằng chính những thất bại ban đầu - một thực tế đáng tiếc nhưng không hiếm gặp.
Khởi nghiệp nông nghiệp không chỉ là chuyện gieo trồng và chăm sóc cây, con giống, mà còn là bài toán tổng hợp giữa sản xuất, công nghệ, thị trường và phát triển bền vững. Để người trẻ không phải “tự bơi” trong hành trình lập nghiệp, rất cần một hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp đồng bộ và thực chất - nơi mỗi ý tưởng được lắng nghe, mỗi khó khăn được hỗ trợ kịp thời và mỗi mô hình đều được định hướng bài bản ngay từ đầu.
Nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng và có sự đồng hành kịp thời từ các cấp, ngành, địa phương, khởi nghiệp nông nghiệp sẽ là hành trình đầy tiềm năng - nơi mỗi người dân không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn góp phần thay đổi diện mạo nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng hiện đại, bền vững.
Nguyễn Hường