Tận dụng thế mạnh điều kiện tự nhiên, xã Quang Sơn (Lập Thạch) định hướng người dân đa dạng mô hình sản xuất nông nghiệp, tập trung đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, chuyển đổi giống cây trồng lâu năm sang các giống cây có năng suất, giá trị kinh tế, tiếp tục phát triển nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của xã.
Với địa bàn rộng, chủ yếu là đất đồi rừng, xã Quang Sơn định hướng người dân đa dạng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Đến nay, toàn xã có hơn 40 trang trại, gia trại quy mô lớn, hơn 1.200 hộ chăn nuôi với quy mô khoảng 1,8 vạn lợn, 4 vạn gà, hơn 3 vạn chim câu… Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có nhiều mô hình chăn nuôi dê, ong mật, hươu… cho hiệu quả kinh tế cao.

Với quy trình sản xuất mật ong theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm mật ong của gia đình ông Trần Quốc Tuấn, thôn Ba Trung, xã Quang Sơn được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Nguyễn Lượng
Về trồng trọt, thay vì trồng các loại cây lâu năm trên đất đồi rừng, xã vận động người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây hàng năm cho hiệu quả kinh tế cao như trám, ớt, ba kích… với tổng diện tích trồng cây hàng năm đạt hơn 540 ha.
Tận dụng diện tích đồi rừng, ông Trần Quốc Tuấn, thôn Ba Trung, xã Quang Sơn phát triển nuôi ong mật lên gần 100 đàn ong giống, hơn 200 đàn ong mật tại xã Quang Sơn và một số địa phương các tỉnh phía Bắc.
Trung bình mỗi năm, cơ sở nuôi ong mật của gia đình ông Tuấn cung cấp ra thị trường khoảng 3.000 lít mật ong, trong đó có một phần xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với giá bán mật ong thương phẩm 450 nghìn đồng/lít.
Tuân thủ nuôi ong theo quy trình VietGAP, năm 2024, sản phẩm “Mật ong Quốc Tuấn - Quà tặng từ thiên nhiên” được UBND huyện Lập Thạch chứng nhận là sản phẩm OCOP đầu tiên của xã Quang Sơn, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện.
Ông Tuấn cho biết: “Hiện nay, cơ sở sản xuất mật ong của gia đình đang tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng đàn ong để thăng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, khẳng định thương hiệu vững chắc trên thị trường”.
Trên địa bàn xã Quang Sơn còn có nhiều mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như mô hình chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ kết hợp nuôi dê với quy mô 2 ha của bà Nguyễn Thị Điệp, thôn Cầu Trên, trung bình 6 tháng, mô hình chăn nuôi cung cấp ra thị trường 1,5 tấn dê với giá thu mua từ 120 - 150 nghìn đồng/kg; mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình anh Nguyễn Văn Tùng, thôn Cầu Dưới với quy mô 1 vạn đôi, doanh thu 650 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương; mô hình chăn nuôi hươu lấy nhung của anh Đỗ Mạnh Hùng, thôn Cầu Dưới với quy mô 200 con, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho 12 lao động địa phương…
Bên cạnh các mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, xã Quang Sơn định hướng người dân phát triển các mô hình trồng cây hàng năm phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi chim câu của đình anh Nguyễn Văn Tùng, thôn Cầu Dưới, xã Quang Sơn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Lượng
Giai đoạn 2020 - 2024, UBND xã Quang Sơn phối hợp với các đơn vị triển khai mô hình trồng cây trám đen ghép, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng đất đồi tại thôn Quảng Cư với 30 hộ dân tham gia canh tác trên tổng diện tích hơn 5ha; phối hợp triển khai mô hình sản xuất 5 ha cây ớt theo tiêu chuẩn VietGAP; phát triển mô hình trồng cây dược liệu ba kích tại các thôn Trại Diễn, Đồng Ái, Quảng Cư…
Các mô hình bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và cây lâu năm, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân có đất canh tác trong khu vực đồi rừng.
Chủ tịch UBND xã Quang Sơn Diệp Minh Phú cho biết: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hình thành vùng sản xuất tập trung, hướng đến liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, năm 2012, xã đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung tại thôn Kiên Đình với quy mô 10 ha; khuyến khích, hỗ trợ người dân đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, nhân rộng mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hướng đến sản xuất các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, đặc trưng của địa phương; tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn, doanh nghiệp hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu đầu ra sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi”.
Năm 2024, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã Quang Sơn đạt hơn 156 tỷ đồng, tăng 4% so với năm trước, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 76 triệu đồng/năm, tăng gần 10 triệu đồng so với năm 2023. Mục tiêu của xã năm 2025 là tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 9%, nâng cao thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/năm.
Hoàng Sơn