Tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh đã và đang đẩy nhanh chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang chiều sâu dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, tăng năng suất và sức cạnh tranh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 10-11%.
Ngành công nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của nền kinh tế tỉnh.
Triển khai Nghị quyết số 31/2021 của Quốc hội và Nghị quyết số 54 của Chính phủ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương.
Năm 2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 với 19 chỉ tiêu, 4 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 28 danh mục đề án, chương trình, kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm.
Năm 2023, tỉnh phê duyệt Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, đề ra 10 mục tiêu cụ thể đến năm 2030, giao 32 nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành tổ chức triển khai thực hiện và đưa ra các giải pháp có tính khoa học, sát với thực tiễn.
Trên cơ sở đó, các cấp, ngành đã tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, trong đó nâng cao chất lượng hoạt động của các thành phần kinh tế.
Xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục giữ vai trò đầu tàu trong nền kinh tế, các chỉ số thành phần thuộc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được giao cụ thể cho các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm. Cùng với đó, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được chuyển đến cơ quan nhà nước tiếp nhận và kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết.
Tại nhiều hội nghị, UBND tỉnh, các sở, ngành tổ chức tiếp nhận thông tin, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh được tích cực triển khai bằng nhiều hình thức...
Đồng thời triển khai mạnh các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thông qua Tổ công tác đặc biệt do UBND tỉnh thành lập và phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí lãnh đạo theo dõi, chỉ đạo dự án cụ thể.
Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác tiến hành kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung nhân lực, vật lực để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân. Rà soát, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn bộ máy, tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng đào tạo…
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, quy mô, tiềm lực nền kinh tế trên địa bàn không ngừng mở rộng, cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Trong đó, ngành công nghiệp tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Công nghiệp hỗ trợ được hình thành và từng bước phát triển, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp cơ khí chế tạo và công nghiệp điện tử - tin học. Sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp hỗ trợ góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục phát triển, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Sản xuất trồng trọt đã chuyển dịch mạnh cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất theo vùng tập trung quy mô lớn. Sản xuất chăn nuôi phát triển khá, đàn lợn, đàn bò sữa và đàn gia cầm tăng.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1 chợ đầu mối, 81 chợ truyền thống, 7 siêu thị, 2 trung tâm thương mại và mạng lưới cửa hàng tự chọn đã phủ xuống tận vùng nông thôn, miền núi, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân với chất lượng đảm bảo, giá cả cạnh tranh... Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,52% so với năm 2023, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước (6,8-7%).
Phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số, tạo tiền đề để tỉnh bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tỉnh đã đưa ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm yêu cầu các cấp, ngành tập trung thực hiện hiệu quả.
Trong đó, cơ cấu lại các ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đối với ngành công nghiệp thực hiện cơ cấu theo hướng hiện đại hóa, phát triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Ưu tiên phát triển, làm chủ công nghệ mới, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới nổi như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Đối với ngành nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, cung cấp dịch vụ chất lượng cao đối với các tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh.
Tập trung nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng các cụm du lịch, các trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm du lịch hiện có, phát triển sản phẩm mới và nguồn nhân lực du lịch. Đẩy mạnh quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên nền tảng số…
Bài, ảnh: Hồng Tính