Đầu Xuân, các địa phương tổ chức lễ hội tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong nhân dân. Sau phần nghi lễ trang trọng, người dân và du khách được tham gia nhiều trò chơi dân gian, qua đó, góp phần lưu giữ, bảo tồn và giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.300 di tích lịch sử - văn hóa, gần 400 lễ hội diễn ra hằng năm, tập trung chủ yếu vào mùa Xuân; gắn với các lễ hội là các trò chơi, trò diễn dân gian phong phú, đa dạng, hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc, văn hóa đặc trưng của mỗi địa phương. Các trò chơi, trò diễn dân gian thường được tổ chức tại di tích lịch sử - văn hóa.
Hiện nay, các lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ nhiều trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo như trò leo cầu ùm, bơi chải, kéo song (Bình Xuyên); trâu rơm bò rạ, đập niêu, nấu cơm thi (Vĩnh Tường); hội vật Làng Hà (Tam Đảo)…
Các trò chơi dân gian không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong những ngày đầu Xuân mà còn gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng giữa các dân tộc.
![](https://baomoi.vinhphuc.gov.vn/Upload/baiviet/2025/2/13/xuanvh/934_998_z6294829086141_f35a816e5e76e63bf9e3e27411a3eadc.jpg)
Trò chơi dân gian bịt mắt đập niêu tại lễ hội Đúc Bụt, thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh (Tam Dương).
Ảnh: Dương Chung
Lễ hội Xuống đồng (Lồng Tồng) của đồng bào dân tộc Cao Lan xã Quang Yên (Sông Lô) được tổ chức từ ngày 10 - 15 tháng Giêng hằng năm.
Lễ hội ra đời trên cơ sở truyền thuyết về mẹ lúa của đồng bào Cao Lan - là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian; thể hiện khát vọng của con người trong sự hòa hợp âm dương, trời đất, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, hạnh phúc, ấm no…
Bên cạnh các nghi lễ chính, đồng bào dân tộc Cao Lan tổ chức các trò chơi dân gian như chọi dê, ném còn, bịt mắt bắt vịt, kéo co… thu hút đông đảo người dân tham gia.
Những trò chơi, trò diễn dân gian không chỉ thể hiện nét đặc trưng văn hóa dân tộc, còn mang đến niềm vui, tiếng cười, giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai và nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng. Thông qua đó, góp phần làm không khí đầu Xuân càng thêm vui tươi, phấn khởi.
Vào ngày mùng 7 tháng Giêng, người dân thôn Làng Hà, xã Hồ Sơn (Tam Đảo) tưng bừng tổ chức hội vật truyền thống; thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương về dự hội.
Sau phần lễ dâng hương Thành Hoàng làng trang nghiêm, thành kính được tổ chức vào buổi sáng, buổi chiều, phần đấu vật chính thức bắt đầu. Hội vật Làng Hà diễn ra theo thể thức tự do bằng cách thách đấu và giữ giải. Bất cứ ai, không phân biệt độ tuổi, cân nặng đều có thể tham gia tranh tài.
Năm nay, tham gia tranh giải vật có 17 đô vật, trong đó có sự tham gia của nhân dân thập phương và nhiều đô vật nổi tiếng đến từ các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội…
Ông Lê Văn Hiển, Bí thư Chi bộ thôn Làng Hà cho biết: “Hội vật truyền thống Làng Hà thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Hội vật hằng năm thu hút đông đảo các thanh niên trai tráng, các đô vật trong, ngoài tỉnh đến tranh tài; đồng thời, thu hút hàng nghìn người dân, du khách thập phương về trẩy hội, cổ vũ, mang đến không khí vui tươi, hứng khởi cho các tầng lớp nhân dân và thể hiện ước vọng một năm mưa thuận, gió hòa, đủ đầy, sung túc”.
Cùng với các trò chơi dân gian, các trò diễn tại lễ hội truyền thống cũng mang giá trị văn hóa độc đáo, là biểu trưng tái hiện giá trị lịch sử và phong tục tập quán của nhân dân.
Lễ hội Đúc Bụt, làng Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh (Tam Dương) được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội diễn ra với các tích trò “Sĩ, nông, công, cổ”, tái hiện lại quá trình Ngọc Kinh công chúa dạy người dân rèn đúc vũ khí, làm ruộng, rèn luyện binh sĩ…
Ngoài phần hội chính, nhân dân trong làng cùng du khách thập phương được tham gia nhiều trò chơi dân gian truyền thống như cờ người, bịt mắt đập niêu… Các trò chơi dân gian tạo không khí hân hoan, gắn kết tình làng, nghĩa xóm.
Trước thực trạng một số trò chơi, trò diễn dân gian đang dần bị mai một, để các trò chơi dân gian lưu giữ giá trị văn hóa tinh thần truyền thống trong các lễ hội đầu Xuân, Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định, thực hiện nếp sống văn minh; ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín dị đoan trong lễ hội…
Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL đã tổ chức một số buổi công diễn sân khấu hóa các trò chơi, trò diễn dân gian. Các tiết mục được ghi hình, phát sóng để quảng bá, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về những giá trị đặc sắc của trò chơi, trò diễn dân gian… Qua đó, góp phần tạo sân chơi lành mạnh gắn bó, đoàn kết cộng đồng; phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.
Minh Thu