Theo quan niệm truyền thống của người Việt, Tết là để trở về quê hương, sum vầy bên gia đình. Tết đoàn viên sẽ ý nghĩa, đầm ấm, trọn vẹn hơn khi mỗi nếp nhà còn đủ đầy ông bà, cha mẹ - những “cây cao bóng cả” giữ vai trò gắn kết cội nguồn và là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho con cháu.
Cha Mẹ là quê hương
Quê hương là nơi ta lớn lên với cả bầu trời kỷ niệm thuở ấu thơ, nơi ấy nuôi dưỡng ta không chỉ bằng tình yêu thương của cha mẹ mà còn có cả lời ru, sự che chở ấm áp của ông bà. Có lẽ, tình yêu mang chút nuông chiều trìu mến của ông bà dành cho con cháu luôn là những ký ức vô cùng ấm áp trong cuộc đời mỗi người.
Hạnh phúc! Ảnh: Khánh Linh
Thật hạnh phúc khi xuân đến còn ông bà, cha mẹ ngóng chờ ta về nhà đón Tết. Đường về dù có bao xa, nhưng chắc chắn sẽ luôn là sự háo hức, rộn rã, bởi trong ngôi nhà thân thương là hình bóng cha mẹ đang đợi cháu con tề tựu sum vầy. Và trên chuyến xe hồi hương, có khi nào ta chợt nghĩ sẽ còn bao nhiêu cái Tết được đủ đầy ông bà, cha mẹ, bởi mỗi mùa xuân sang mẹ cha ta già thêm một tuổi, đếm ngược quỹ thời gian của mỗi người. Vậy nên, với người già, Tết đến, niềm mong ước lớn nhất là sức khỏe, bình an, mong cầu chữ “Thọ” để thêm nhiều xuân nữa vui vầy cùng con cháu.
Trong xã hội hiện đại, nhiều gia đình có tư tưởng cởi mở hơn. Họ không lựa chọn đón Tết ở nhà mà đi du lịch bốn phương để cảm nhận, khám phá văn hóa vùng miền khác nhau. Đó là ý thích của mỗi người và họ đều đã có những sắp xếp hợp lý, hài hòa, tuy nhiên, hầu hết người Việt vẫn giữ nét văn hóa truyền thống với suy nghĩ Tết là để trở về. Dù đi xa cách mấy, dù khó khăn thế nào, chỉ cần được trở về nhà với cha mẹ, quê hương bản xứ, người ta mới cảm nhận Tết đủ đầy và trọn vẹn.
Với nhiều người, về ăn Tết với cha mẹ, anh em, làng xóm mới là kỳ nghỉ ý nghĩa nhất, dù kỳ nghỉ này không được thong dong tận hưởng mà lại bắt đầu bằng những bận rộn, tất bật, vội vã đến tận chiều Ba Mươi Tết. Nhưng tự hỏi, nếu một ngày không còn cha mẹ, có thể những cái Tết thăm quê sẽ thưa dần, mỗi lần về cũng bớt đi những vồn vã. Vẫn là con đường ấy, vẫn nếp nhà ấy, nhưng có lẽ lòng ta sẽ trùng xuống, hoang hoải như câu thơ “Còn mẹ còn lối đi về/ Mất mẹ, cả lối về quê cũng mờ”.
Là người lập nghiệp ở thành phố Vĩnh Yên đã lâu, bà Nguyễn Thanh Thảo (phường Khai Quang) cảm thấy mình may mắn, hạnh phúc khi ở tuổi nghỉ hưu vẫn còn có mẹ để chăm sóc, yêu thương. Bà chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 anh, chị, em đều sinh sống xa quê, nhưng cứ đến Tết là ai nấy đều sắp xếp về cùng bố mẹ, các cháu có lịch nghỉ học là về quê cùng ông bà từ những ngày áp Tết, cùng tất bật dọn dẹp, gói bánh chưng… Như một thông lệ của gia đình, mùng 2 Tết sẽ không bao giờ vắng mặt thành viên nào. Được trở về với mẹ, những người con dù đã lên chức ông, bà vẫn cảm thấy mình nhỏ lại, háo hức đón nhận những lời chúc và những phong bao lì xì của mẹ, của anh cả…
Gia đình tôi đã trải qua 4 cái Tết không còn bố, trong những phút giây đầm ấm, quây quần nhất, cảm xúc nhớ thương vẫn trào dâng khi thắp nén hương thành kính tưởng nhớ tổ tiên và bố. Vậy nên, niềm hạnh phúc lớn lao với chúng tôi là vẫn còn có mẹ. Mẹ là mùa xuân yên bình và ấm áp nhất”.
Kết nối gia đình
Tết cổ truyền của dân tộc chứa đựng những nét đẹp văn hóa được kết tinh qua nhiều thế hệ. Giữ gìn Tết cổ truyền với các phong tục truyền thống sẽ góp phần lan tỏa giá trị thiêng liêng của ngày Tết, để hướng mọi người, nhất là thế hệ trẻ biết nhớ ơn cội nguồn, tổ tiên, và hơn hết là trân trọng giá trị thiêng liêng của tình cảm gia đình. Mà ở đó, ông bà, cha mẹ - những "cây cao bóng cả" sẽ là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách mỗi người; đồng thời là người giữ kỷ cương, nếp nhà bằng những lời răn dạy, chỉ bảo về lễ nghĩa, đối nhân xử thế, sự đùm bọc, hòa thuận yêu thương, sự chân chất, mộc mạc của tình làng nghĩa xóm.
Bên cạnh đó, ông bà, cha mẹ chính là sợi dây bền chặt kết nối các thế hệ. Ở những gia đình nhiều thế hệ chung sống, có cụ cao niên trong nhà thì những cuộc tụ họp quây quần diễn ra thường xuyên hơn. Vậy nên mới ví cha mẹ là cội nguồn kết nối, là nơi để tất cả cháu con trở về với bao yêu thương, đầm ấm.
Quê hương - Chốn bình yên. Ảnh: Khánh Linh
Sau hơn 10 năm làm dâu trưởng trong một gia đình có nhiều thế hệ, chị Nguyễn Thị Nhung (Vĩnh Tường) chia sẻ: “Gia đình tôi đông con, cháu, chắt và luôn trân trọng những phút giây quây quần đầm ấm, nhất là khi cụ tôi đã gần 100 tuổi, nên những cái Tết sum vầy càng trở nên đáng quý. Tết năm nào gia đình tôi cũng tổ chức thi gói bánh chưng, những trò chơi dân gian vừa tạo sự vui vẻ, gắn kết, vừa giáo dục con cháu gìn giữ gia phong, truyền thống Tết Việt. Có lẽ vì thế mà ai cũng háo hức mong chờ đón Tết, chứ không hề cảm thấy Tết "nhạt" như nhiều người vẫn nói. May mắn là cụ tôi vẫn còn minh mẫn để kể cho chúng tôi những câu chuyện ngày xửa ngày xưa, cho chúng tôi chỗ dựa tinh thần to lớn, nên dù bận rộn, ở xa đến đâu, ai cũng háo hức mong được trở về quê nhà đón Tết sum vầy, trân quý từng phút giây bên ông bà, cha mẹ”.
Tết đang đến rất gần, với ông bà, cha mẹ, sự có mặt của đầy đủ con cháu trong những bữa cơm đoàn viên là niềm hạnh phúc, là món quà ý nghĩa nhất ngày Tết. Và trên dòng đời tất bật, hãy gác lại những âu lo, hối hả để trở về Nhà - nơi đón ta là ánh mắt nhân từ, là nụ cười hiền hậu của cha mẹ, là những yêu thương đậm vị tình thân…
Mai Thơ