Tròn 95 năm trước, tại khu vực Tống Vương Đài, Hương Cảng (Hồng Kông, Trung Quốc), đã diễn ra một sự kiện lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đó không chỉ là sự hợp nhất của những tổ chức cộng sản tiên phong mà còn là ánh lửa đầu tiên thắp sáng hành trình đấu tranh giành độc lập và xây dựng một xã hội công bằng, tự do.
Tiến sĩ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Hành trình tìm về dấu tích lịch sử
Chúng tôi có cơ hội trò chuyện với Tiến sĩ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, người dành hơn nửa cuộc đời để nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong căn phòng ấm cúng với rất nhiều sách vở và tài liệu được sắp xếp ngăn nắp, Tiến sĩ Chu Đức Tính kể lại hành trình tìm về dấu tích lịch sử tại Hồng Kông với giọng đầy xúc động. Hành trình đó diễn ra vào năm 2007, khi ông và các cộng sự quyết tâm làm sáng tỏ những ẩn số về địa điểm diễn ra Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản. Những ký ức vẫn còn sống động trong tâm trí ông, như thể chuyến đi vừa mới diễn ra ngày hôm qua.
Ở tuổi ngoài bảy mươi, Tiến sĩ Chu Đức Tính vẫn nhớ rõ từng chi tiết nhỏ. "Chúng tôi đã lần mò từng trang bản đồ cũ, từng dấu vết nhỏ nhất trong thư viện và cơ quan lưu trữ tại Hồng Kông để xác minh địa điểm nơi Nguyễn Ái Quốc tổ chức Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản", ông hồi tưởng. Chuyến đi không chỉ là một hành trình khảo cứu mà còn là cuộc đấu tranh không mỏi để tái hiện lại một phần quan trọng trong lịch sử dân tộc.
Mặc dù các tài liệu lịch sử ghi rõ rằng Hội nghị diễn ra từ ngày 6/1-7/2/1930 tại Hồng Kông, nhưng vị trí cụ thể vẫn là một dấu hỏi lớn. Niềm trăn trở ấy đã thôi thúc đoàn công tác, với sự tham gia của những nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, hướng dẫn viên địa phương và đặc biệt là bà Lady Borton - nhà văn, nhà báo người Mỹ nổi tiếng, người đã có công sưu tầm từ lưu trữ nước Anh hàng nghìn trang tư liệu về vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông năm 1931.
Tiến sĩ Chu Đức Tính (giữa) và đoàn công tác trước Thư viện trung tâm Hồng Kông trong chuyến khảo sát năm 2007.
Với sự hỗ trợ tận tâm từ các cơ quan lưu trữ Hồng Kông, đoàn đã tìm thấy những tư liệu quý giá, từ bản đồ, hồi ký cho đến những ghi chép chi tiết về khu vực Tống Vương Đài - nơi được xác định là địa điểm tổ chức Hội nghị.
Sau nhiều ngày khảo sát thực địa và đối chiếu tài liệu, đoàn đã xác định được Tống Vương Đài - một khu vực nằm ở bán đảo Cửu Long - chính là nơi ghi dấu những hoạt động quan trọng của Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí. Ở khu vực Tống Vương Đài khi đó có một quả đồi không cao, trên đỉnh có đền thờ Tống Vương và gần đó là miếu thờ Hầu Vương. Chung quanh chân đồi là khu dân cư lao động với hai con đường lớn giao nhau: Tam Kung và Tống Vương Đài. Khu vực này còn có một sân vận động nhỏ, nơi thường xuyên diễn ra các trận bóng đá.
Theo hồi ký của các nhân chứng, Hội nghị hợp nhất Đảng đã kéo dài trong suốt một tháng, diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau để đảm bảo bí mật. Khi thì trong nhà một người công nhân, các đại biểu đóng giả làm đám người chơi mạt chược phòng trường hợp có ai bất ngờ xông vào; khi thì ở sân vận động để ngụy trang như những người xem bóng đá; lúc lại giả đi lễ trên miếu hay đi dạo ở bờ biển. Việc lựa chọn địa điểm này không chỉ bảo đảm an toàn, mà còn tận dụng được đặc điểm sầm uất của khu vực để che giấu các hoạt động cách mạng.
Tiến sĩ Chu Đức Tính cho biết, đoàn khảo sát đã phải tra cứu từng bản đồ từ năm 1926, 1930, 1945, 1970 cho đến nay, để hình dung sự thay đổi của khu vực qua các giai đoạn lịch sử. Các thông tin tìm được ở cơ quan lưu trữ cho thấy, năm 1941, quân đội Nhật Bản vào Hồng Kông, đã dùng thuốc nổ phá đồi Tống Vương để mở rộng sân bay Kai Tak, nhưng viên đá khắc ba chữ “Sung Wong Toi” - một phần còn sót lại - được chính quyền Hồng Kông bảo tồn và chuyển vào công viên gần đó. Đối với Tiến sĩ Chu Đức Tính, khi nhận ra viên đá này chính là chứng tích lịch sử duy nhất còn sót lại, ông không khỏi xúc động: “Viên đá ấy như chứng nhân thầm lặng, đưa chúng tôi trở lại thời kỳ hào hùng khi Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí thảo luận những quyết sách lớn lao cho cách mạng Việt Nam”.
Với tầm nhìn chiến lược và kinh nghiệm cách mạng phong phú, Nguyễn Ái Quốc đã chọn Hồng Kông làm nơi tổ chức Hội nghị thành lập Đảng. Hồng Kông không chỉ là một trung tâm giao thương quốc tế sầm uất mà còn là điểm kết nối lý tưởng với Quốc tế Cộng sản. Tại đây, Người đã tận dụng mạng lưới cơ sở cách mạng của Hồ Tùng Mậu và các đồng chí trung thành, đồng thời khéo léo lợi dụng luật pháp thuộc địa Anh để tổ chức các cuộc họp bí mật.
Thời điểm diễn ra Hội nghị lại trùng vào dịp Tết Nguyên đán, khi khu vực miếu Hầu Vương nhộn nhịp người dân đi lễ. Không khí đông đúc ấy đã tạo nên một lớp vỏ bọc hoàn hảo, giúp Hội nghị hợp nhất và sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra an toàn.
Cảm xúc lắng đọng từ hành trình khảo sát
Tống Vương Đài, tại Cửu Long, Hồng Kông, một trong những địa điểm diễn ra Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, từ ngày 6/1-8/2/1930.
Hành trình tìm kiếm dấu tích tại Hồng Kông không chỉ là một cuộc khảo sát khoa học, mà còn là một hành trình cảm xúc. Quá trình tìm kiếm có những lúc tưởng chừng đi vào bế tắc khi đoàn không thể tìm được số nhà 186 Tam Kung nơi Nguyễn Ái Quốc từng ở trước khi bị bắt ở Hồng Kông ngày 6/6/1931. Nhưng với sự kiên nhẫn và óc phân tích tinh tường, bà Lady Borton đã đưa ra ý tưởng rằng những thông tin quan trọng nhất có thể nằm rải rác trong các nguồn tài liệu địa phương mà trước đó chưa được khai thác hết. Nhờ sự hỗ trợ của bà, đoàn đã khám phá ra những chi tiết quan trọng về vị trí của ngôi nhà trên phố Tam Kung.
Tiến sĩ Chu Đức Tính kể lại, khoảnh khắc phát hiện ra bằng chứng khẳng định sự tồn tại của số nhà 186 Tam Kung là một trong những giây phút xúc động nhất trong cuộc hành trình tìm kiếm dấu tích lịch sử tại Hồng Kông. "Khi nhận ra rằng mình đã tìm ra điều mà biết bao nhiêu người Việt Nam khác đã đau đáu tìm kiếm, tôi không kìm được nước mắt. Đây không phải chỉ là một phát hiện, mà là minh chứng rõ ràng rằng những gì Nguyễn Ái Quốc viết trong tài liệu về địa điểm này là sự thật. Số nhà 186 Tam Kung, nơi Người từng ở và tổ chức các hoạt động cách mạng, thật sự đã tồn tại”, ông chia sẻ.
Đối với Tiến sĩ Tính, việc tìm thấy bản đồ không chỉ đơn thuần là một công việc nghiên cứu, mà là sự khẳng định về tính chính xác của lịch sử và lòng tri ân sâu sắc đối với Bác Hồ. “Khoảnh khắc ấy, tôi biết rằng tất cả nỗ lực của chúng tôi trong suốt hành trình đã được đền đáp. Đó là một cảm giác hạnh phúc, tự hào, và đầy xúc động” - ông bộc bạch, ánh mắt vẫn rực sáng khi nhắc lại kỷ niệm ấy.
Trong chuyến khảo sát đó, Tiến sĩ Chu Đức Tính còn tìm đến nhà tù Victoria, nơi Nguyễn Ái Quốc từng bị giam cầm năm 1931. “Căn phòng giam chật hẹp, không có ánh sáng, không khí lạnh lẽo, phía trên có 1 tổ tò vò. Tôi đã đứng lặng người khi tưởng tượng những gì Bác Hồ, với thân hình gầy gò và bệnh tật, đã phải chịu đựng trong hoàn cảnh ấy. Đó là một cảm xúc khó quên, vừa thương xót, vừa ngưỡng mộ sức mạnh tinh thần phi thường của Người”.
Hiện nay, các địa điểm lịch sử tại khu vực Tống Vương Đài đã thay đổi hoàn toàn theo thời gian. Ngọn đồi Tống Vương từng là trung tâm các hoạt động cách mạng nay không còn, thay vào đó là các công trình hiện đại. Đường Tam Kung hiện chỉ còn đến số nhà 148, trong khi đoạn có số nhà 186 - nơi Nguyễn Ái Quốc từng hoạt động - đã bị phá bỏ vào năm 1970 để xây dựng Đại lộ Olympic. Duy chỉ còn lại viên đá khắc ba chữ “Tống Vương Đài,” đặt trong công viên Tống Vương Đài, được coi như biểu tượng đại diện cho toàn bộ địa danh lịch sử này, ông Tính chia sẻ.
Kết nối ký ức và hiện tại
Tống Vương Đài không chỉ là nơi diễn ra Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là một biểu tượng cho sự kiên cường, trí tuệ và khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam. Chính tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã truyền cảm hứng cho các đồng chí của mình, thống nhất những tổ chức cách mạng để xây dựng một đảng vững mạnh.
Hồng Kông, với vị trí chiến lược, không chỉ là nơi Nguyễn Ái Quốc chọn để tổ chức hội nghị mà còn là nơi Người vượt qua thử thách lớn trong cuộc đời mình. Vụ án Nguyễn Ái Quốc tại Hồng Kông năm 1931 đã trở thành một câu chuyện cảm động về công lý và tình người. Tiến sĩ Chu Đức Tính kể: “Bác Hồ không chỉ thoát khỏi án tù nhờ tài năng của luật sư Loseby, mà còn khiến ông thay đổi hoàn toàn quan điểm. Từ chỗ nhận tiền để bào chữa, Loseby đã trở thành một người bạn thân thiết, dành tất cả tâm huyết để bảo vệ Bác Hồ”.
Hiện nay viên đá khắc 3 chữ Tống Vương Đài đặt tại công viên Tống Vương Đài.
Ngày nay, dù ngọn đồi Tống Vương Đài đã không còn, nhưng viên đá khắc chữ vẫn như một nhịp cầu nối quá khứ với hiện tại,nhắc nhở thế hệ hôm nay về giá trị lịch sử và sự hy sinh của những người đi trước. Đúng như nhà thơ Tố Hữu viết trong bài “30 năm đời ta có Đảng”: “Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ/Không quê hương sương gió tơi bời/Đảng ta sinh ở trên đời / Một hòn máu đỏ nên người hôm nay”, sự ra đời của Đảng là kết tinh của cả một quá trình đấu tranh gian khổ nhưng đầy vinh quang, Tiến sĩ Chu Đức Tính nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Chu Đức Tính, Tống Vương Đài không chỉ là một địa danh, mà là một “địa chỉ đỏ” – nơi giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng và khát vọng hòa bình.
“Đứng giữa không gian ấy, tôi không chỉ cảm nhận được dấu chân của Bác Hồ, mà còn cảm nhận được sứ mệnh của mình – giữ gìn những giá trị lịch sử để những câu chuyện ấy tiếp tục được kể", ông xúc động chia sẻ.
Hồng Kông và Tống Vương Đài là minh chứng sống động cho sự khởi đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam - ngọn đuốc soi đường cho những chặng đường vẻ vang của dân tộc. Nhìn về hiện tại, việc gìn giữ những giá trị này không chỉ là tri ân quá khứ mà còn là trách nhiệm của thế hệ hôm nay, để lịch sử mãi là nguồn cảm hứng dẫn lối cho tương lai.
(Theo Báo Nhân Dân)