Đã 50 năm kể từ ngày non sông thống nhất, giang sơn thu về một mối, với người Việt Nam, cứ mỗi độ tháng 4 về là mọi cảm xúc lại dâng trào, vẹn nguyên như ngày nào cả nước ngập tràn niềm vui chiến thắng. Tháng 4 không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước, đấu tranh giữ nước của dân tộc mà còn là niềm tự hào, động lực đưa đất nước không ngừng vững bước đi lên.
Ai đó nói rằng “Bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ nã đại bác vào chính mình” quả là chí lý. Tôn trọng quá khứ, tôn trọng lịch sử chưa bao giờ là thừa với bất cứ triều đại, thể chế, quốc gia, dân tộc nào. Tất nhiên, việc “ăn mày dĩ vãng” là điều nên tránh nhưng nếu không nhìn vào lịch sử để tránh vết xe đổ và rút kinh nghiệm cho tương lai thì chắc chắn hậu quả sẽ khôn lường.
Nước Việt Nam ta từ thời Hùng Vương đến nay trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Đi cùng với đó là biết bao lần dựng nước, giữ nước và chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Tất cả đều ghi dấu bởi những chiến công oanh liệt.
Từ chiến thắng Bạch Đằng năm 938 chấm dứt 1000 năm Bắc thuộc đến 3 lần thắng quân Nguyên Mông thế kỷ 13, đánh đuổi giặc Minh đô hộ đất nước thế kỷ 15 đến đập tan trong phút chốc 29 vạn quân Thanh do Lê Chiêu Thống "cõng rắn cắn gà nhà" thế kỷ 18. Đặc biệt là chiến thắng vang dội trước một đế quốc sừng sỏ nhất thế giới tháng 4 năm 1975 đã đưa dân tộc Việt Nam chính thức bước vào một thời kỳ mới – Thời kỳ thống nhất, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.
Thử hỏi, nếu không dựa vào lịch sử, lấy lịch sử làm điểm tựa, lấy truyền thống yêu nước sâu sắc của dân tộc làm nền tảng thì đừng nói đến đế quốc lớn nhất thế giới, chỉ một thế lực nhỏ cũng hoàn toàn có thể nô dịch cả một quốc gia lớn. Như thế, tôn trọng lịch sử chính là tôn trọng và bảo vệ bản thân trước mọi nguy cơ tiềm tàng hay hiện hữu.
Những ngày tháng 4 này, cả nước hân hoan hướng về ngày kỷ niệm 50 năm non sông thống nhất với tất cả tình cảm thiêng liêng nhất.

Đường phố Vĩnh Yên rực rỡ cờ hoa chào mừng kỷ niệm ngày thống nhất non sông.
Vậy mà đâu đó còn có một số thế lực thù địch đứng sau nhân cơ hội này rêu rao những chiêu bài cũ rích. Thậm chí có cả một số ít cá nhân cho rằng việc ôn lại lịch sử là lãng phí không cần thiết, gây ra những bất tiện, xáo trộn không đáng có trong nhân dân…
Phải chăng họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu, biết bao mồ hôi, xương máu đã đổ xuống để đổi lấy nền độc lập dân tộc, toàn vẹn và thống nhất non sông. Hay họ vui khi đất nước bị đô hộ, bản thân làm nô lệ?
Phải chăng họ đã quên đi việc một thời sống sót đã là may mắn, nói gì đến chuyện đời sống vật chất và tinh thần no đủ như hôm nay. Họ phàn nàn chuyện tắc đường vì chuẩn bị cho lễ kỷ niệm nhưng không hề nhớ xưa kia đường còn không có mà đi, lấy đâu ra tắc. Họ cho rằng lãng phí không cần thiết thì thử hỏi những người đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân và tính mạng cho đất nước sao không thắc mắc lấy một lời!?
Tục ngữ Việt Nam có câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay “Uống nước nhớ nguồn”. Chính vì vậy, việc tri ân những người có công với đất nước, với dân tộc không chỉ là đạo lý mà còn là nghĩa vụ với lớp lớp các thế hệ đi sau. Việc tri ân này không phải được thể hiện bằng lời nói suông hay lý thuyết giáo điều mà phải bằng thực tế, bằng hành động cụ thể như chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của thương bệnh binh, gia đình chính sách, người có công.
Những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng ta tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - vị cha già của dân tộc Việt Nam, người đã đưa Cách mạng và các cuộc kháng chiến của nước ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác; tưởng nhớ, biết ơn tới các anh hùng liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương binh, bệnh binh cùng nhân dân cả nước đã đóng góp cho các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm giành độc lập, tự do, hòa bình, hạnh phúc cho thế hệ hôm nay.
Nhìn về quá khứ đau thương và hào hùng của dân tộc, chúng ta – những thế hệ đi sau càng biết ơn, trân trọng hơn cuộc sống tự do, no ấm, thanh bình – cuộc sống không có chiến tranh.
Bác Hồ từng nói “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đất nước hòa bình đã 50 năm, đất nước đã vượt bao chông gai để vững bước đi lên bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc nhưng mãi mãi không bao giờ chúng ta được phép lãng quên những gì các thế hệ đi trước đã gìn giữ, dựng xây để đất nước có được cơ đồ và tiềm lực như hôm nay.
Quang Nam