Xác định phát triển văn hóa đọc có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước, thành phố Vĩnh Yên luôn quan tâm và triển khai các giải pháp nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong nhân dân; nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm, tham gia tích cực của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với phát triển văn hóa đọc.
Với 18 gian trưng bày sách theo các chủ đề khác nhau, Ngày sách và Văn hóa đọc 2025 được thành phố Vĩnh Yên tổ chức tại Công viên 29/12 vừa qua đã thu hút hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tới tham quan, tìm hiểu.
Bên cạnh không gian trưng bày với hàng nghìn đầu sách, Ngày sách và Văn hóa đọc diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa như giao lưu, tọa đàm về sách và văn hóa đọc sách, các hoạt động văn hóa - văn nghệ; trao sách tặng học sinh nghèo vượt khó, có thành tích học tập tốt; trao sách tặng Thư viện thành phố…

Ngày sách và Văn hóa đọc 2025 do thành phố Vĩnh Yên tổ chức thu hút hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên tới tham quan, tìm hiểu. Ảnh: Trà Hương
Năm 2025 là năm thứ 4 liên tiếp Vĩnh Yên tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc. Đây là một trong những hoạt động thiết thực của thành phố nhằm hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4; khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Đồng thời khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; tôn vinh người đọc, người sáng tác, hoạt động xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan chức năng, tổ chức xã hội trên địa bàn thành phố đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.
Những năm qua, thành phố Vĩnh Yên đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách; từng bước xây dựng, phát triển thói quen, kỹ năng và phong trào đọc sách trong các tầng lớp nhân dân, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.
Công tác thông tin, tuyên truyền được thành phố chú trọng đẩy mạnh đã nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của văn hóa đọc; huy động sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng, các tổ chức xã hội tham gia vào việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.
Nội dung tuyên truyền tập trung vào ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy khoa học, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, lối sống lành mạnh cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Đồng thời giới thiệu rộng rãi các mô hình thư viện xanh, tủ sách mở trong các nhà trường, gia đình, dòng họ; tuyên dương các tấm gương điển hình trong việc duy trì, gìn giữ thói quen, niềm đam mê đọc sách…
Thư viện thành phố được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp với hơn 5.000 đầu sách, đa dạng về thể loại. Với sự quan tâm của các cấp, ngành, hệ thống thư viện trường học từng bước được chuẩn hóa, đảm bảo đồng bộ, hiện đại; chất lượng và số lượng đầu sách không ngừng được nâng lên.
Các trường học đã triển khai mô hình thư viện với không gian xanh, thoáng mát, sinh động, gần gũi và thân thiện; chú trọng công tác tuyên truyền, phát động đến cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia quyên góp sách tại các tủ sách lớp học và thư viện ngoài trời.
Là một trong những đơn vị điển hình của thành phố trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc, Trường THCS Vĩnh Yên có thư viện được đầu tư khang trang, đồng bộ với gần 7.500 đầu sách; ngoài ra thư viện còn được trang bị hệ thống bàn ghế, máy tính tra cứu sách… tạo môi trường đọc sách thân thiện, thoải mái.
Nhằm khuyến khích, khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong mỗi học sinh, nhà trường đã quan tâm lựa chọn, giới thiệu những cuốn sách thiết thực, phù hợp; thành lập các câu lạc bộ đọc sách; tổ chức hiệu quả các hoạt động như Ngày hội đọc sách; trưng bày, triển lãm sách; hưởng ứng cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”…
Được sự khuyến khích, tạo điều kiện của giáo viên, các em học sinh đã hình thành thói quen đọc sách thường xuyên. Đặc biệt, tham gia các cuộc thi về đọc sách do các cấp, ngành, tổ chức, nhiều học sinh đã đạt thành tích cao.
Để thúc đẩy, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, thành phố Vĩnh Yên tiếp tục chú trọng tuyên truyền về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của đọc sách; thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào quảng bá sách và văn hóa đọc; xây dựng phong trào đọc sách sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức và cộng đồng; phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng đọc trong nhân dân.
Đồng thời quan tâm ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào việc đọc sách, đa dạng hóa hình thức đọc trong điều kiện phát triển công nghệ số, giúp cho việc tiếp cận sách được mở rộng, nhất là đối với thanh thiếu niên và các em học sinh; chỉ đạo rà soát, kiện toàn hệ thống thư viện trường học trên địa bàn, khuyến khích và tạo điều kiện để các trường xây dựng, thu thập, tổ chức các nguồn tài liệu điện tử hữu ích phục vụ hiệu quả nhu cầu khai thác thông tin trong môi trường số; tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc, những mô hình hay trong việc đọc, nghiên cứu và áp dụng tri thức từ sách vào cuộc sống.
Lê Mơ