Phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao (TDTT) nói chung, TDTT quần chúng nói riêng luôn được Vĩnh Phúc xác định là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc và thể lực của người dân, góp phần phát huy nhân tố con người, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội. Với nhiều giải pháp đồng bộ, phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa sâu rộng, thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân ở mọi lứa tuổi.
Phong trào chạy bộ tại thành phố Vĩnh Yên phát triển mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi. Ảnh: Trà Hương
Vào sáng sớm và cuối giờ chiều các ngày trong tuần, khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vĩnh Yên luôn rộn rã tiếng nói cười của người dân tới luyện tập TDTT. Tùy theo lứa tuổi, sở thích, mỗi người chọn cho mình một loại hình luyện tập thích hợp để rèn luyện sức khỏe như đá bóng, đi bộ, bóng chuyền hơi, cầu lông, dưỡng sinh, khiêu vũ thể thao…
Từ khi được UBND thành phố Vĩnh Yên quan tâm, lắp đặt dụng cụ TDTT ngoài trời, không khí luyện tập tại đây càng trở nên sôi nổi. Anh Vũ Văn Mạnh, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) cho biết: “Tôi duy trì luyện tập TDTD đều đặn mỗi ngày từ 1 - 1,5 tiếng. Được sự quan tâm của các cấp, ngành, trên địa bàn thành phố có thêm nhiều sân thể thao, các điểm lắp đặt dụng cụ TDTT ngoài trời, tạo thuận lợi cho người dân tập luyện, rèn luyện sức khỏe”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe…”.
Học tập và làm theo lời dạy của Người, Vĩnh Phúc luôn quan tâm chú trọng phát triển sự nghiệp TDTT, đặc biệt là phong trào TDTT quần chúng nhằm nâng cao sức khỏe, thể lực của người dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Để thúc đẩy phong trào TDTT, tỉnh chú trọng đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về lợi ích của việc luyện tập TDTT, gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Các địa phương đã ưu tiên quan tâm bố trí quỹ đất và kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân luyện tập TDTT thường xuyên.
Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều chính sách để phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao; đầu tư lắp đặt thiết bị luyện tập TDTT, thu hút người dân tham gia luyện tập TDTT.
Điển hình như Nghị quyết số 04 của HĐND tỉnh về hỗ trợ kinh phí đầu tư thiết bị TDTT ngoài trời cho trung tâm văn hóa, thể thao của các xã, phường, thị trấn và khu thể thao ở các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2024, năm 2025.
Đến nay, 9/9 huyện, thành phố có trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện bảo đảm theo quy định; 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, hội trường từ 250 chỗ ngồi trở lên; 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao; 28 khu thiết chế văn hóa thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu…
Hằng năm, ngành VH-TT&DL chủ động tuyên truyền, hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ về công tác TDTT. Các giải thi đấu thể thao quần chúng được tổ chức thường xuyên với nhiều môn thể thao, đối tượng khác nhau, hình thức tổ chức phong phú, đa dạng.
Các hình thức luyện tập thể dục, thể thao ngày càng phong phú, đa dạng, giúp người dân có nhiều sự lựa chọn để rèn luyện sức khỏe. Ảnh: Trà Hương
Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm, tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều tổ chức 1 - 3 giải, cấp xã từ 3 - 5 giải, cấp huyện 6 - 8 giải, cấp tỉnh từ 12 - 15 giải thể thao, thi đấu các môn như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, kéo co, bóng bàn...
Qua các giải thi đấu quần chúng góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng phong trào TDTT và bổ sung vận động viên chất lượng cao cho các đội tuyển thi đấu chuyên nghiệp của tỉnh.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, phong trào luyện tập TDTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia với hình thức tập luyện ngày càng phong phú.
Bên cạnh các môn thể thao truyền thống, một số môn thể thao mới có sự phát triển nhanh chóng như thể dục thẩm mỹ, yoga, xe đạp, bóng chuyền hơi, khiêu vũ thể thao, pickleball… giúp người dân có nhiều lựa chọn để rèn luyện sức khỏe.
Hiện, toàn tỉnh có gần 1.000 câu lạc bộ TDTT; tỷ lệ người dân tập luyện TDTT thường xuyên đạt 53%; tỷ lệ gia đình tham gia hoạt động thể thao đạt 43%.
Không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện tầm vóc, thể lực người dân, phong trào TDTT còn góp phần gắn kết cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, môi trường sống lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội.
Để phong trào TDTT đi vào chiều sâu, thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia luyện tập TDTT thường xuyên, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất các thiết chế văn hóa, thể thao; tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân về vai trò, tác dụng của tập luyện TDTT.
Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư để phát triển phong trào TDTT; nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phát triển TDTT quần chúng với nhiều loại hình đa dạng, phong phú nhằm thu hút quần chúng nhân dân tham gia…
Lê Mơ