Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có nền kinh tế độ mở cao, do vậy, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đóng vai trò quan trọng đối với quá trình tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Việc tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu đang được tỉnh chỉ đạo quyết liệt để khơi thông nguồn lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.
Là một trong những địa phương được xếp vào top các tỉnh, thành phát triển công nghiệp năng động hàng đầu của miền Bắc cũng như cả nước, đến nay, Vĩnh Phúc đã có 17 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, trong đó, 9 khu công nghiệp đã thành lập đi vào hoạt động.
Toàn tỉnh hiện thu hút gần 500 dự án FDI đến từ hơn 20 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tổng số vốn đăng ký đạt trên 8,4 tỷ USD; gần 850 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 150 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm nhờ nhu cầu thị trường cao và sự phục hồi kinh tế, sau đó duy trì mức ổn định vào những tháng cuối năm.
Tổng kim ngạnh xuất khẩu đạt gần 18 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước, hiện toàn tỉnh có hơn 500 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tại thị trường hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, ngoài các thị trường truyền thống như Nga, ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... còn được mở rộng sang các nước trong khối EU, Hoa Kỳ.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỉ trọng nhóm hàng có hàm lượng công nghệ, chất xám cao, với các sản phẩm chủ lực như hàng điện tử và linh kiện điện tử; nhóm máy móc, thiết bị và phụ tùng; nhóm xe máy nguyên chiếc, linh kiện, phụ tùng xe máy…

Công ty TNHH Polaris Việt Nam, Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên) - một trong những doanh nghiệp tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong năm 2024, với mức tăng trên 20%.
Kim ngạch nhập khẩu đạt đạt gần 18,6 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt trên 20% mạnh hơn xuất khẩu, phản ánh sự chuẩn bị của các doanh nghiệp cho kế hoạch sản xuất và xuất khẩu trong năm 2025.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa không chỉ đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm mà còn góp phần đáng kể tăng thu ngân sách trên địa bàn.
Năm 2024, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh đạt gần 5.500 tỷ đồng, chiếm trên 18% tổng thu ngân sách của Vĩnh Phúc. Hai tháng đầu năm 2025, thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh đạt gần 700 tỷ đồng, tăng trên 14% so với cùng kỳ.
Theo kịch bản phấn đấu tăng trưởng 2 con số, tỉnh ưu tiên tập trung mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.
Khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các FTA đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường chủ lực, thị trường lớn; tăng cường khai thác các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng… phấn đấu kim ngạnh xuất khẩu năm 2025 đạt trên 19 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2024, kim ngạnh nhập khẩu tương đương với xuất khẩu.
Để hoàn thành mục tiêu trên, tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc tiếp tục quán triệt thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 93, ngày 5/7/2023 của Chính phủ về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững giai đoạn 2023-2030.
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế đến các doanh nghiệp, các nội dung về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; tích cực tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, tham gia các phiên tư vấn với các thị trường do Bộ Công thương tổ chức, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác thông tin thị trường, dự báo tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu thông qua phối hợp Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công thương để doanh nghiệp chủ động xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, nhất là đối với xe máy nguyên chiếc, linh kiện phụ tùng xe máy; điện thoại và linh kiện; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện; linh kiện, phụ tùng ô tô; gỗ và sản phẩm từ gỗ; hàng dệt may…
Cùng với đó, tập trung thúc đẩy thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút nhà đầu tư có năng lực kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ “xanh”, ứng dụng nền tảng số, có giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đẩy nhanh tiến độ triển khai 32 dự án đã đăng ký đầu tư từ những năm trước để phấn đấu hoàn thành các thủ tục về đầu tư nhà xưởng, lắp đặt máy móc, tuyển dụng nhân lực, tìm kiếm được thị trường và đi vào hoạt động sản xuất trong năm 2025, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa.
Thường xuyên đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; vận hành tốt hệ thống theo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa…
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh