Dù lệnh cấm đã chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2025, nhưng thuốc lá điện tử vẫn đang được bán công khai trên nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội. Chỉ cần một vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên Google hoặc các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok, người tiêu dùng có thể dễ dàng đặt mua các loại thuốc lá điện tử với đủ chủng loại, mẫu mã.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 173 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo đó, tại Mục 2.2 về lĩnh vực y tế, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025.
Các hành vi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, các cá nhân, tổ chức có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận thuốc lá điện tử sẽ bị phạt hành chính từ 1-100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, đối với tổ chức vi phạm sẽ xử phạt từ 2-200 triệu đồng.
Theo quy định hiện hành, thuốc lá điện tử nằm trong danh mục sản phẩm bị cấm mua bán và quảng cáo tại Việt Nam, tuy nhiên, khi gõ tìm kiếm từ khóa “mua thuốc lá điện tử”, “vape”, “pod” trên Google hoặc các trang mạng xã hội, hệ thống sẽ hiển thị rất nhiều website bán hàng như podsupplier.vn, thevapeclub.vn, thebestvape.vn... và hàng loạt các hội nhóm như Vape pod Vĩnh Phúc, Nhóm Vape - Pod, Vape Pod toàn quốc… với số lượng hàng nghìn thành viên tham gia.
Điểm chung của các website và các hội nhóm này là sử dụng các tên gọi như “pod”, “vape”, “bút hơi”... để thay thế cho cụm từ “thuốc lá điện tử” hoặc chỉ đăng hình ảnh sản phẩm mà không kèm theo mô tả cụ thể.
Khi có khách hàng quan tâm, người bán sẽ hướng dẫn đặt hàng qua tin nhắn riêng, sau đó tiến hành gửi hàng thông qua các đơn vị vận chuyển. Khi vận chuyển, các bọc hàng thường được dán nhãn “nước hoa”, “mỹ phẩm” nhằm hạn chế sự chú ý của đơn vị vận chuyển và lực lượng chức năng.
Không chỉ vi phạm pháp luật, việc kinh doanh và sử dụng thuốc lá điện tử còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ.

Thuốc lá điện tử vẫn được bán công khai trên các website, mạng xã hội. Ảnh: Dương Chung
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thuốc lá điện tử chứa nhiều hóa chất độc hại, có thể gây tổn thương phổi, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gia tăng nguy cơ nghiện nicotine. Đặc biệt, không ít người sử dụng thuốc lá điện tử có tâm lý chủ quan, cho rằng sản phẩm này ít độc hại hơn thuốc lá truyền thống.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng thuốc lá điện tử có thể gây ra các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tim mạch và thậm chí làm tăng nguy cơ mắc ung thư. Một số nghiên cứu cũng cho thấy hơi nước từ thuốc lá điện tử chứa kim loại nặng, chất độc và các hợp chất có thể gây kích ứng phổi.
Đáng lo ngại hơn, một số loại thuốc lá điện tử trôi nổi trên thị trường còn bị phát hiện có chứa ma túy tổng hợp, tạo ra tác động mạnh đến hệ thần kinh, gây ảo giác và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý người dùng.
Tuy nhiên, do việc mua bán quá dễ dàng nên không ít học sinh, sinh viên đã tiếp cận và sử dụng loại sản phẩm này. Đặc biệt, nhiều thanh thiếu niên còn xem thuốc lá điện tử như một xu hướng mới, một cách để thể hiện phong cách, mà không ý thức được những nguy cơ lâu dài.
Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Lê Hồng Duy cho biết: Thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường rà soát, kiểm tra các mặt hàng bị cấm.
Kết quả kiểm tra tại các cửa hàng truyền thống cho thấy không có cá nhân hay tổ chức nào kinh doanh thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, trái ngược với thực tế đó, hoạt động mua bán trên các chợ mạng lại diễn ra ngày càng tinh vi và khó kiểm soát.
Lực lượng quản lý thị trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, mong muốn nhận được sự hợp tác của người dân trong việc phát hiện, tố giác hành vi kinh doanh trái phép, góp phần ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng cấm, trong đó có thuốc lá điện tử.
Bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, mỗi gia đình, nhà trường cần nâng cao nhận thức, chủ động giáo dục, nhắc nhở con em mình, người thân và học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử.
Đồng thời, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, tố giác các hành vi buôn bán, tàng trữ và sử dụng sản phẩm thuốc lá điện tử trái phép, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và xây dựng môi trường sống lành mạnh.
Minh Nguyệt