Từ khi thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến nay, huyện Yên Lạc đã tận dụng được thế mạnh, tiềm năng phát triển nông nghiệp để xây dựng, phát triển nhiều thương hiệu sản phẩm đặc trưng, đặc sản, đặc hữu vùng miền cho từng địa phương. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề, dịch vụ nông thôn.
Trên địa bàn huyện Yên Lạc hiện có 18 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao, gồm: Sản phẩm ngô chiên, khoai môn lệ phố của Công ty TNHH kỹ nghệ thực phẩm OCI Việt Nam; sản phẩm tỏi đen ngâm mật ong Bảo An của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên, xã Yên Đồng; nho đen không hạt của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Chân Chính…
Thời gian qua, Chương trình OCOP lan tỏa mạnh mẽ tại các địa phương trong huyện. Hầu hết các sản phẩm OCOP được phát triển gắn với vùng nguyên liệu đặc trưng, đặc hữu; sản phẩm nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất VietGap, hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh việc xây dựng sản phẩm mới, UBND Yên Lạc tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, nguồn gốc sản phẩm tiềm năng để đăng ký tham gia chương trình, phát triển sản phẩm. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ tái công nhận các sản phẩm đã được công nhận khi gần hết hạn.
3 sản phẩm: Cuốn thư gỗ mít, ngai thờ gỗ mít và tranh tứ quý gỗ hương đá của gia đình chị Nguyễn Thị Thuấn, thôn Lũng Hạ, xã Yên Phương (Yên Lạc) được công nhận OCOP năm 2024.
Sau hàng chục năm có mặt trên thị trường, các sản phẩm đồ gỗ nội thất, đồ thờ như án gian, hoành phi, câu đối, sập thờ... mang thương hiệu Tươi Thuấn của gia đình chị Nguyễn Thị Thuấn, thôn Lũng Hạ, xã Yên Phương nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng, sản lượng tiêu thụ năm sau luôn cao hơn năm trước.
Hiện gia đình chị có 3 cửa hàng trưng bày sản phẩm, 1 xưởng sản xuất với doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động với thu nhập ổn định 10 triệu đồng/người/tháng.
Để phát huy những tinh hoa của nghề mộc truyền thống ở địa phương, năm 2024, gia đình chị đã tham gia Chương trình OCOP với bộ 3 sản phẩm: Cuốn thư gỗ mít, ngai thờ gỗ mít và tranh tứ quý gỗ hương đá. Qua đánh giá, sản phẩm được phân hạng OCOP 3 sao.
Chị Nguyễn Thị Thuấn cho biết: “Để làm được sản phẩm chất lượng cao, ngoài lựa chọn những loại gỗ tốt thì người thợ làm nghề cũng phải thật khéo léo, tỉ mỉ trong từng chi tiết và cần sáng tạo để cải tiến mẫu mã phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Bộ 3 sản phẩm: Cuốn thư gỗ mít, ngai thờ gỗ mít, tranh tứ quý gỗ hương đá là tâm huyết của gia đình tôi sau nhiều năm làm nghề được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là cơ hội để đưa sản phẩm đi xa hơn trên thị trường cũng như khẳng định chất lượng, thương hiệu làng nghề mộc truyền thống Lũng Hạ”.
Bánh đúc vốn là một món ăn truyền thống phổ biến trong ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương như gạo, vừng, lạc, gia đình bà Nguyễn Thị Cầu, xã Trung Hà đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm các thiết bị, dụng cụ sản xuất bánh đúc theo hướng hiện đại như máy ép chân không, máy xay bột, in ấn bao bì, nhãn mác, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mong muốn xây dựng thương hiệu riêng, năm 2021, bà Cầu mạnh dạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình OCOP với tên gọi bánh đúc ngon Miền Cầu. Qua thẩm định hồ sơ, chất lượng, sản phẩm của gia đình bà được UBND huyện Yên Lạc công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021.
Để thương hiệu vươn xa, gia đình bà Cầu tiếp tục tham gia quá trình đánh giá lại và được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của huyện nhất trí bỏ phiếu, phân hạng OCOP 3 sao năm 2024.
Đến nay, sản phẩm mang thương hiệu bánh đúc ngon Miền Cầu được đông đảo người tiêu dùng tại địa phương và các vùng lân cận biết đến; đơn đặt hàng phục vụ các đám cỗ, cưới hỏi và các dịp lễ, Tết ngày càng tăng. Với giá bán 25 nghìn đồng/gói, trung bình mỗi tháng, gia đình bà Cầu cung cấp ra thị trường 5.000 gói bánh, đem lại doanh thu hàng chục triệu đồng/tháng.
“Sau khi tham gia Chương trình OCOP, người tiêu dùng biết đến thương hiệu bánh đúc ngon Miền Cầu và liên hệ với gia đình tôi để đặt mua sản phẩm nhiều hơn trước. Từ đó, không chỉ góp phần khẳng định thương hiệu, chất lượng, mà còn mở ra cơ hội quảng bá sản phẩm trong và ngoài tỉnh”– bà Cầu chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc Hà Thái Dương cho biết: Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, nhỏ lẻ của người dân trên địa bàn sang sản xuất theo chuỗi giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường.
Các sản phẩm được UBND huyện công nhận OCOP là những sản phẩm có giá trị kinh tế, chất lượng, đã có vị thế, uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng.
Để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, huyện tiếp tục hỗ trợ các chủ thể tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ thiết kế bao bì nhãn hiệu.
Đồng thời tăng cường hướng dẫn, đào tạo cho các chủ thể kỹ năng marketing, phát triển sản phẩm nhằm thay đổi tư duy, cách làm phù hợp với sự phát triển của thị trường. Từ đó, góp phần khơi dậy, phát huy tiềm năng đất đai, sản vật địa phương.
Bài, ảnh: Ngọc Lan