Những năm qua, bên cạnh công tác chăm sóc cho đối tượng bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh còn mở rộng tiếp nhận đối tượng người cao tuổi tự nguyện. Theo nhu cầu của các gia đình và người cao tuổi, sau khi vào trung tâm, người cao tuổi được cung cấp các bữa ăn đảm bảo, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn phục hồi chức năng... theo mô hình dưỡng lão.
Vào các buổi chiều, tại những dãy hành lang, khuôn viên ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh khá đông vui khi tập trung nhiều người cao tuổi ngồi trò chuyện rôm rả. Khi cái nắng hè bớt oi ả, các cụ lại rủ nhau tập thể dục, đi bộ và hàn huyên những câu chuyện thường ngày.
Theo cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, trên cơ sở Đề án thí điểm mô hình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tự nguyện, từ năm 2021 đến nay, đơn vị mở rộng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, với số lượng từ 35 - 40 lượt cụ.
Ông Lưu Bá Viễn 90 tuổi, xã Đức Bác, huyện Sông Lô đã ở trung tâm được gần 2 năm.
Ngoài những cụ bị bệnh tai biến, mất trí nhớ, khuyết tật, còn có những cụ minh mẫn cũng lựa chọn nơi đây là ngôi nhà chung khi về già. Thậm chí, có những cụ đã ở đây được 3-4 năm, như cụ Nguyễn Văn Minh ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường. Tùy theo thể trạng, sức khỏe của các cụ, mức dịch vụ chăm sóc tự nguyện từ hơn 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Đồng chí Đinh Đức Tuân, cán bộ Phòng Quản lý đối tượng - Y tế và Phục hồi chức năng, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết: “Dựa trên nhu cầu xã hội, năm 2021, trung tâm thực hiện Đề án thí điểm mô hình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tự nguyện. Từ đó đến nay, đơn vị liên tục tiếp nhận người cao tuổi có nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng tại trung tâm”.
Những cụ sức khỏe yếu được phục vụ các bữa ăn ngay tại phòng.
Ở đây, ngoài phục vụ các bữa ăn còn có nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi. Không ít cụ ban đầu vào đây sức khỏe yếu, sau một thời gian được chăm sóc tốt, thể trạng được cải thiện trông thấy.
Hằng ngày, từ 5h30 - 6h, các cụ được báo thức dậy, vệ sinh cá nhân, tập thể dục nhẹ nhàng rồi ăn sáng. Sau đó, các cụ có thể xem ti vi, nghe đài, đánh cờ tướng, tập phục hồi chức năng, nghỉ ngơi rồi ăn cơm trưa. Vào buổi chiều, sau khi ngủ trưa, các cụ ngồi chơi, tham gia các hoạt động thể dục theo nhu cầu và ăn cơm tối. Các bữa ăn đều được chế biến đảm bảo dinh dưỡng, phù hợp với người cao tuổi.
Các cụ vui vẻ hàn huyên những câu chuyện trong ngày.
Nhìn chung, ở trung tâm, tinh thần các cụ đều thoải mái, vui vẻ. Vào các dịp lễ, Tết, trung tâm kết nối với các CLB văn nghệ, dân vũ ở địa phương tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa, văn nghệ nhằm làm phong phú và nâng cao đời sống tinh thần cho các cụ.
Theo ghi nhận, hệ thống các khu nhà ở dành cho đối tượng tự nguyện được khép kín, khá tiện nghi khi có đầy đủ quạt mát, điều hòa, ti vi; khu phục hồi chức năng có hệ thống máy tập đa năng, khu vực luyện tập thể thao có khuôn viên đẹp, không gian yên tĩnh, trong lành…
Ông Lưu Bá Viễn, 90 tuổi ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô chia sẻ: “Tôi vào trung tâm ở được gần 2 năm thấy điều kiện cơ sở vật chất, tinh thần phục vụ tốt nên rất yên tâm. Ở đây, tôi thấy yên tĩnh, có nhiều người cao tuổi nên đông vui, tinh thần thoải mái.
Là bộ đội nghỉ hưu, tôi có chế độ lương, được lĩnh hơn 7 triệu đồng/tháng. Sau khi đóng chi phí cho trung tâm hơn 5 triệu đồng/tháng, tôi vẫn còn tiền dư dả mua sắm, tiết kiệm. Ở nhà, các con cháu đi làm, đi học cả ngày nên cũng buồn; mình lại phải có người phục vụ nên vào đây để đỡ làm phiền mọi người. Thỉnh thoảng, các con cháu vào đây chơi, hoặc các ngày lễ, Tết tôi được chúng nó đón về nhà chơi mấy ngày rồi lại vào trung tâm”.
Thông qua Đề án thí điểm mô hình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tự nguyện từng bước hình thành mô hình cung cấp dịch vụ chăm sóc thay thế; đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn lực, tiến tới xây dựng mô hình cơ sở dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của những người có nhu cầu vào sống ở cơ sở trợ giúp xã hội.
Việc cung cấp dịch vụ chăm sóc thay thế tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho thấy những hiệu quả nhất định khi giúp người cao tuổi được tự do lựa chọn cuộc sống theo sở thích cá nhân, giảm bớt sự buồn tẻ của tuổi già khi phải sống bó hẹp trong gia đình thu nhỏ. Nơi đây, các cụ có cơ hội giao lưu, tâm sự, tạo nơi an dưỡng tuổi già, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi.
Bài, ảnh: Hà Trần