Đối với những người nuôi ong ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, đã rất lâu rồi họ mới lại được tận thu những mẻ mật ong nhiều và chất lượng như năm nay. Vải, nhãn được mùa hoa, thời tiết thuận lợi kéo dài… là những yếu tố quan trọng để người nuôi ong khai thác mật trúng đậm.
Dưới những tán vải, nhãn đâu đó râm ran tiếng nói cười của những chủ ong đang khai thác mật. Niềm vui, sự phấn khởi bộc lộ rõ trên từng khuôn mặt chủ ong, người nào việc nấy, ai cũng hăng say với những phần việc của mình.
Vừa ra sức quay chiếc thùng tôn to vù vù để vắt kiệt những giọt mật ong vàng ươm, thơm phức, anh Lăng Quang Thịnh - người dân xã Tam Quan hồ hởi cho biết: “Lâu lắm rồi chúng tôi mới khai thác được mẻ mật ong dồi dào như thế này, dễ phải đến hơn chục năm nay ấy chứ. Trúng đậm vụ mật này, vợ chồng tôi sẽ có thêm tiền để mua một chiếc xe ô tô cũ đi lại cho đỡ vất vả”.

Nông dân thu gom các cầu mật ong nằm rải rác dưới những tán cây
Anh Thịnh chia sẻ thêm: “Với 14 đàn ong nuôi, sau 3 đợt khai thác mật, tôi đã thu hoạch được hơn 60 lít mật ong. Từ nay đến cuối vụ còn khoảng 5-6 đợt khai thác mật, dự kiến sẽ thu hoạch thêm được hơn 100 lít".
Được biết, anh Thịnh mới tách đàn ong ra nuôi riêng, số lượng đàn tuy ít, nhưng đã cho thu hoạch được khá nhiều mật. Còn tính chung của cả 2 bố con anh Lăng Văn Thịnh thì sản lượng mật ong đạt gần 300 lít (3 đợt); cả vụ ước đạt trên dưới 1.000 lít, tăng gấp 4 lần so với những năm trước.
Nghề nuôi ong khá đặc thù, mỗi lần đến lượt khai thác mật của gia đình nào các chủ ong lại đi làm giúp, hỗ trợ nhau lấy mật, tạo thành các nhóm từ 6-8 người. Mỗi người một việc, người đi thu gom các cầu ong đặt rải rác trong vườn, người cắt sáp ong, người quay mật… tất cả các thành viên trong nhóm đều có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý để lấy được nguồn mật tối đa. Anh Thịnh là người đảm nhận khâu quay mật, nhìn tưởng đơn giản, nhưng theo anh, khi quay cần có kỹ thuật để tránh vỡ cầu ong và lấy được tối đa lượng mật chiết xuất ra.
Trước đó, để lấy được những cầu ong vàng ươm từ trong thùng, có người phải cầm chiếc bình xông khói, hơ qua lại trên bề mặt để làm cay mắt đàn ong. Sau đó, nhẹ nhàng giũ từng cầu ong và lấy chúng ra khỏi thùng. Để tránh bị ong đốt, họ phải mặc những bộ quần áo bảo hộ, có mũ lưới, găng tay kín mít.
Mỗi thùng ong có từ 7-10 cầu ong vàng rộm, đượm mật được chủ ong khéo léo cắt bỏ hết lớp sáp bên ngoài rồi xếp vào thùng tôn quay lấy mật. Có miếng sáp khi cắt ra bên trong vẫn còn những con ong non béo ngậy. Trước sự hấp dẫn của miếng sáp ngon, một số chị em trong nhóm sẽ thưởng thức ngay tại chỗ. Đây không chỉ là món ăn khoái khẩu của những người đi quay mật ong mà nhiều người còn để dành mang về ngâm rượu.

Chủ ong cắt bỏ lớp sáp bên ngoài trước khi tiến hành quay mật
Thời tiết thuận lợi, nên cứ sau 7-10 ngày, chủ ong có thể quay mật 1 lần. Đầu vụ, mật ong thường có màu vàng tươi, nhưng cuối vụ sẽ chuyển màu sậm hơn. Trung bình, chủ ong có thể khai thác mật từ 10-15 đợt/năm. Riêng mùa hoa vải, nhãn quay được từ 5-6 đợt; hoa sưa 2-3 đợt, còn lại là hoa rừng. Mỗi thùng ong có thể thu hoạch tối đa được 20 lít mật/năm nên chủ ong nào cũng nỗ lực duy trì từ vài chục đến hơn 100 đàn ong để khai thác mật.

Các cầu ong rất đượm mật
Ông Nguyễn Văn Minh, một chủ nuôi ong ở huyện Tam Dương cho biết: “Có năm, chủ ong nhìn thấy hoa vải, nhãn trổ bông nhiều tưởng được mùa mật, nhưng có khi chưa kịp khai thác lại gặp trận mưa to, trời trở rét đậm thế là “xôi hỏng bỏng không”. Tuy nhiên, năm nay thời tiết thuận lợi kéo dài giúp người nuôi ong có điều kiện thai khác tối đa nguồn mật ong từ thiên nhiên”.
Nuôi ong lâu năm nên chủ ong nào cũng có vốn kiến thức nhất định về đặc tính sinh trưởng của loài ong; hiểu được quy luật phát triển của từng loài hoa để thu hoạch được sản lượng mật ong nhiều và chất lượng nhất.
Theo các chủ ong, bán kính hoạt động của đàn ong nằm trong phạm vi 5 km nên việc tìm vị trí đặt thùng ong rất quan trọng, giúp những con ong thợ có điều kiện tìm hoa, hút mật thuận lợi. Do đó, người nuôi ong phải thường xuyên quan sát, nếu thấy ong thợ hằng ngày bay ra/vào với nhiều càng phấn hoa có nghĩa nguồn mật hoa trong khu vực dồi dào.
Trước khi bắt tay vào khai thác mật ong, các chủ ong phải đi thăm dò, kiểm tra những thùng nuôi ong được đặt nhờ tại các hộ gia đình trồng nhiều cây trái. Hễ thấy những lỗ tròn trên các cầu ong được vít kín lại có nghĩa lượng mật đượm và nhiều.
Công việc khai thác mật kéo dài từ tháng 2-6 (âm lịch), nhưng cao điểm là vào tháng 3,4. Hiện nay, các chủ ong ở huyện Tam Đảo đang khai thác mật ở địa phương và các khu vực lân cận như Tam Dương, Bình Xuyên... Sau khi khai thác khoảng 5-6 đợt mật ong nữa, các chủ ong sẽ di chuyển đàn ong đến tỉnh Hưng Yên 15 ngày rồi lại quay về địa phương để lấy mật hoa sưa.

Mật ong được lọc trước khi đưa vào can tích trữ
Năm nay, mật ong được mùa nhưng không bị “rớt” giá, thậm chí còn có xu hướng tăng nhẹ, từ 200.000 đồng/lít lên 250.000 đồng/lít. Phần lớn, những người đi quay ong đều không có mật đem về bởi người dân, thương lái đã chờ để mua ngay tại chỗ.
Một mùa thu hoạch mật ong mới lại về trên vùng đất Tam Đảo. Giống như những chú ong thợ cần cù, chăm chỉ, sự siêng năng, chịu khó giúp chủ ong được hưởng “mùa vàng” trên chính quê hương mình. Không chỉ đem về nguồn lợi, doanh thu cao cho mỗi gia đình, thành quả sau mỗi vụ thu hoạch còn là động lực để những chủ ong duy trì, nhân rộng quy mô đàn ong nuôi ở các địa phương.
Bài, ảnh: Hà Trần