Được phương Tây dỡ bỏ cấm vận, Syria đang trên hành trình tái thiết sau những năm tháng chiến tranh nhưng liệu mọi chuyện sẽ thuận lợi cho nước này?
Reuters đưa tin bà Kaja Kallas, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh EU, hôm qua cho biết bà hy vọng đại diện các thành viên EU có thể sớm tập trung tại Brussels để đạt thỏa thuận về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Syria.
Cơ hội ổn định
"Về Syria, tôi hy vọng chúng ta sẽ đồng ý về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế ngày hôm nay", bà Kallas nói với các phóng viên trước cuộc họp, cảnh báo rằng châu Âu hoặc cho Syria cơ hội ổn định hoặc khiến cho nước này rơi vào tình huống như ở Afghanistan. Theo đó, các thành viên EU đang xem xét dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế trong khi vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt liên quan chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad vốn đã bị lật đổ. Ngoài ra, EU cũng muốn đưa ra các biện pháp trừng phạt các cá nhân vi phạm nhân quyền ở Syria.

Người dân Syria xuống đường ăn mừng sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ bỏ lệnh trừng phạt với Syria.
Sự thay đổi chính sách của EU diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong chuyến công du Trung Đông hồi tuần trước, thông báo ông sẽ ra lệnh dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Syria. Khi đó, Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa, từng được biết đến với tên gọi Abu Mohammed al-Julani, đã gặp ông Trump ở Riyadh (Ả Rập Xê Út). Trước đây, ông al-Sharaa từng bị Mỹ đưa vào danh sách khủng bố vì đứng đầu chi nhánh của al Qaeda ở Syria. Cuộc gặp giữa Tổng thống lâm thời al-Sharaa và Tổng thống Trump được Syria mô tả là "lịch sử", khi đây là cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ và Syria trong 25 năm.
Các diễn biến này mở ra cơ hội tái thiết để đi đến phát triển ổn định cho Syria, sau nhiều năm nước này bị thiệt hại, thậm chí kiệt quệ, vì xung đột.
Theo một báo cáo gần đây của LHQ, xung đột và nội chiến kéo dài 14 năm ở Syria đã khiến GDP của nước này mất ít nhất 800 tỉ USD. Ước tính, GDP của Syria đã giảm từ mức 67,5 tỉ USD vào năm 2011 xuống chỉ còn 23,62 tỉ USD vào năm 2022. Chi phí tái thiết dự kiến phải tiêu tốn hàng trăm tỉ USD, nên nếu không được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây, Syria khó có đủ khả năng tái thiết hay tiếp nhận hỗ trợ từ nhiều quốc gia.
Thách thức không nhỏ
Nhưng tương lai của Syria cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Theo phân tích của Eurasia Group (Mỹ), đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, gửi đến Thanh Niên, trước hết nhiều biện pháp trừng phạt của Washington đối với Syria chỉ được dỡ bỏ khi có sự đồng ý của quốc hội Mỹ. Trong khi đó, rất nhiều chính trị gia Mỹ muốn đảm bảo chính quyền hiện tại của Syria sẽ thực sự từ bỏ các chính sách bạo lực cũ.
Chính quyền Syria hiện nay chủ yếu được nắm quyền bởi các lãnh đạo của tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS, trước đây là Mặt trận Nusra từng liên quan al Qaeda) - đóng vai trò tiên phong hạ bệ chính quyền ông al-Assad hồi cuối năm ngoái. HTS vốn được lãnh đạo bởi Tổng thống lâm thời al-Sharaa.
Thực tế vừa nêu đặt ra nhiều khó khăn cho chính quyền Syria trong việc ổn định nội bộ. Trước hết, ông al-Assad phải giảm bớt căng thẳng giáo phái. Gần đây, các tay súng thân chính phủ đã đụng độ với các tay súng Alawite và nhóm thiểu số Druze được Israel hậu thuẫn. Nhiều thành phần tôn giáo ở Syria vẫn cảnh giác với chính phủ đương nhiệm vốn được điều hành gần như hoàn toàn bởi những người Hồi giáo thân cận với al-Sharaa, thuộc dòng Sunni.
Thực tế, nỗ lực của chính quyền Tổng thống al-Sharaa trong việc xây dựng một lực lượng an ninh mới, tập hợp từ hàng chục lực lượng quân sự trước đây, đang bị chậm lại. Hơn nữa, ông al-Sharaa vẫn chưa thực hiện lời hứa thành lập hội đồng lập pháp mới. Đây chính là yếu tố quan trọng nhưng không hề dễ dàng để hòa hợp các phe phái, bởi sự khác biệt trong chính sách cũng như chủ trương quân sự. Nếu không thể hòa hợp các lực lượng quân sự, nội chiến có thể bùng nổ trở lại ở Syria.
Không những vậy, Syria còn phải ổn định tác động từ sự tranh giành quyền lực bởi các nước bên ngoài, nhất là các cường quốc khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Điển hình, Ả Rập Xê Út và Thổ Nhĩ Kỳ trước đây đã đụng độ nhau do sự ủng hộ của Ankara đối với các nhóm chính trị có phần xung khắc với Riyadh. Rồi Ả Rập Xê Út và Qatar cũng có những cuộc đụng độ tương tự. Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hiện đều là các nhà bảo trợ lớn cho Syria, nhưng đồng thời bất đồng lẫn nhau.
Thêm vào đó, một thế lực khác ở khu vực là Iran vốn thân với nhà al-Assad, đồng thời cũng xung khắc với dòng Sunni của chính quyền Syria hiện nay, nên cũng là một cản lực quan trọng.
Q.N (Theo Báo Thanh niên)