Sau khi đường dây sữa (thực phẩm chức năng) giả bị lực lượng chức năng bóc gỡ, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng các sản phẩm có thương hiệu trong và ngoài nước. Các loại sữa giả được tiểu thương kinh doanh gọi là "sữa cỏ" vì nhãn hàng mới, không được phân phối chính ngạch qua siêu thị, đại lý chính thức, chuỗi bán lẻ có kiểm soát mà bán online. Ngược lại, các sản phẩm sữa thương hiệu trong và ngoài nước có chỗ đứng trên thị trường hàng chục năm nay, được bày bán rộng rãi tại các cửa hàng lớn, nhỏ nên đây là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất nâng cao khả năng cạnh tranh, đẩy mạnh thị phần tiêu thụ. Theo ghi nhận, thời gian qua, sức mua các dòng sữa thương hiệu gia tăng, có loại có dấu hiệu khan hàng, giá bán cũng được điều chỉnh cao hơn, từ 5-16%.
Cơ hội cho ngành sữa thương hiệu trong nước
Không thể phủ nhận thị trường sữa những năm qua có sự cạnh tranh gay gắt về nhãn hàng, thương hiệu. Hiện nay, trên thị trường có hàng trăm loại sữa được bày bán từ siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ đến các cửa hàng tạp hóa.
Ngoài sữa nội, ngoại còn có những sản phẩm được nhập khẩu nguyên liệu về đóng gói tại Việt Nam khiến thị trường sữa muôn hình vạn trạng. Vào những cửa hàng được gọi là “thế giới sữa”, người tiêu dùng hoa mắt bởi các nhãn hàng, thương hiệu và không biết lựa chọn sản phẩm nào phù hợp, không ít người phải nhờ nhân viên bán hàng tư vấn.
Khảo sát thị trường sữa thời gian này cho thấy, sau khi lực lượng chức năng công bố các loại sữa giả, lập tức người tiêu dùng đã “quay xe” sử dụng các sản phẩm có thương hiệu trong và ngoài nước. Đây là các sản phẩm có thương hiệu hàng chục năm nay, được phân phối chính ngạch qua siêu thị, chuỗi bán lẻ và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Điển hình phải kể đến các sản phẩm của Meiji (Nhật Bản), Nestle (Thuỵ sĩ), Abbott (Hoa Kỳ), Dutch Lady hay Frisolac (Hà Lan). Còn các nhãn hàng trong nước phải kể đến Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, Dutch Lady, Mộc Châu, Nutricare…

Thời điểm này, người tiêu dùng ưu tiên sử dụng các sản phẩm sữa có thương hiệu.
Chị Nguyễn Thị Huyền, chủ cửa hàng TiTi Mart, đường Nguyễn Tất Thành, phường Khai Quang cho biết: “Sau khi các loại “sữa cỏ” (sữa giả) bị thu hồi, sức tiêu thụ các loại sữa nội có thương hiệu như Vinamilk, Nutricare... tăng lên đáng kể. Ngoài ra, các dòng sữa ngoại có thương hiệu như Meiji, Abbott, Frisolac... cũng rất đắt hàng. Tuy nhiên, thời điểm này, giá một số loại sữa có dấu hiệu tăng cao, ví dụ như Vinamilk tăng 16%, Nutricare tăng 14%, Grow Plus tăng 5%... thậm chí đối với dòng sữa bột của Vinamilk có thời điểm còn cháy hàng.
Ghi nhận tại cửa hàng TiTi Mart chúng tôi thấy cơ sở kinh doanh này có hàng chục nhãn hàng sữa thương hiệu trong và ngoài nước. Cũng theo chủ cơ sở, việc lực lượng chức năng vào cuộc “thanh lọc” sữa giả giúp thị trường minh bạch hơn, người tiêu dùng dễ tiếp cận, sử dụng các sản phẩm chất lượng ở trong và ngoài nước.
Hay tại cửa hàng G7 Mart Hiến Hạnh, đường Nguyễn Viết Xuân, phường Đống Đa dịp này số lượng khách hàng chuyển qua sử dụng các sản phẩm sữa có thương hiệu sản xuất trong nước cũng tăng lên trông thấy.
Chị Nguyễn Thị Hiền, chủ cửa hàng G7 Mart Hiến Hạnh cho biết: "Thời điểm này, các dòng sữa thương hiệu sản xuất trong và ngoài nước có sức mua tốt hơn trước và hầu hết có xu hướng tăng giá, từ 30.000-50.000 đồng/hộp, điển hình như Vinamilk, Nutricare hay Abbott... Tại trung tâm thành phố, "sữa cỏ" ít có cơ hội vào thị trường, chủ yếu là khu vực vùng nông thôn, khu công nghiệp do tâm lý người dân thích sản phẩm chiết khấu cao, khuyến mại nhiều. Những sản phẩm này thường bị "thổi phồng" công dụng về tăng cân, giảm đau xương khớp (đối với sản phẩm dành cho người già) nên người tiêu dùng tin tưởng, mua về sử dụng".
Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá
Về việc một số loại sữa có xu hướng tăng giá, theo phản ánh của các tiểu thương, sản phẩm được điều chỉnh tăng nhiều lần trong các năm 2024 và đến nay. Nguyên nhân là do ảnh hưởng tình hình lạm phát trên toàn thế giới, giá vàng tăng cao, nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất sữa tăng, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm.
Được biết, trong buổi họp vào tháng 2/2025 với các nhà đầu tư, lãnh đạo Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó chia sẻ về giá nguyên vật liệu có xu hướng tăng trở lại xuất phát từ ảnh hưởng của thời tiết ở Úc, New Zealand khiến giá thành sản phẩm chăn nuôi của nông dân tại khu vực này tăng lên.
Ngoài ra, thị trường Mỹ lạm phát ở mức cao trong nhiều năm, cộng với thiên tai đã ảnh hưởng tới nguồn cung cấp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất sữa bột ở Việt Nam đang phải nhập nguồn nguyên liệu ở EU, Úc và New Zealand nên giá sản phẩm sẽ chịu sự chi phối, ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Do đó, các doanh nghiệp phải chủ động dự trữ nguồn nguyên liệu, thực hiện điều chỉnh giá bán sản phẩm phù hợp theo mức độ biến động, ảnh hưởng đối với lợi nhuận chung.
Hiện nay đang trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, các Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của tỉnh đang ra quân kiểm tra diện rộng ở các lĩnh vực, trong đó có mặt hàng sữa. Tại các cơ sở kinh doanh, lực lượng chức năng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng, trong đó có sản phẩm sữa để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm nếu có.
Đồng thời yêu cầu chủ các cửa hàng, đại lý, mạng lưới phân phối sữa trực thuộc chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định về trưng bày hàng hóa, niêm yết giá, bán đúng giá quy định… không để tình trạng đầu cơ găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiên dùng.
Bài, ảnh: Hà Trần