Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) mạnh mẽ ở tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó, có công tác Đảng. Để làm được điều này, cùng với việc xây dựng hạ tầng số, nền tảng số đồng bộ, hiện đại, tỉnh chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đảm bảo đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng cho CĐS nói chung và CĐS trong các cơ quan Đảng nói riêng.
Để thực hiện thành công nhiệm vụ CĐS trên địa bàn, từ năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch CĐS, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó, xác định phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy mạnh mẽ CĐS để tạo nền tảng, cơ sở cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tiến hành rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin. Đồng thời, xây dựng mạng lưới CĐS rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, xem đây là lực lượng nòng cốt trong thực hiện các mục tiêu CĐS trên địa bàn.
Đến nay, hầu hết các sở, ngành, địa phương đều có lãnh đạo phụ trách ứng dụng công nghệ thông tin và bố trí tối thiểu 1 cán bộ phụ trách kỹ thuật về công nghệ thông tin của đơn vị. Toàn tỉnh có hơn 3.100 cán bộ, công chức, viên chức làm chuyên trách và kiêm nhiệm CĐS, gần 150 công chức, viên chức làm chuyên trách và kiêm nhiệm về an toàn thông tin.

Sở Khoa học và Công nghệ chú trọng đào tạo cán bộ theo yêu cầu phát triển và hội nhập, bồi dưỡng nâng cao kiến thức công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức. Ảnh: Dương Hà
Đội ngũ cán bộ này đều có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin, cơ bản đáp ứng trong việc tham mưu, vận hành hệ thống công nghệ thông tin tại đơn vị. Trung tâm Hạ tầng số và An toàn thông tin có 10 cán bộ kỹ thuật được đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin và điện tử viễn thông, có năng lực, trình độ chuyên môn cao.
Bên cạnh đó, các huyện, thành phố đã thành lập được 1.240 tổ “Công nghệ cộng đồng và Đề án 06” với gần 9.900 thành viên, lực lượng chủ chốt là đoàn viên, thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân.
Cùng với việc kiện toàn số lượng, tỉnh chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức 10 lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức công nghệ thông tin cho 300 cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã; 1 lớp đào tạo nghiệp vụ nâng cao cho 30 cán bộ công nghệ thông tin chuyên trách.
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và diễn tập thực chiến bảo đảm an toàn thông tin mạng cho cán bộ quản trị mạng, phụ trách công nghệ thông tin của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của tỉnh.
Mặc dù đã được quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhưng hiện nay, nguồn nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh nói chung và các cơ quan Đảng nói riêng phần lớn là kiêm nhiệm, bán chuyên trách nên gặp nhiều khó khăn trong việc quản trị, vận hành hệ thống công nghệ thông tin.
Hơn nữa, cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực của tỉnh chưa thực sự hấp dẫn nhân lực công nghệ thông tin có chuyên môn sâu về làm việc. Nhiều cán bộ công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước có xu hướng muốn xin nghỉ việc để chuyển sang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, gây khó khăn, bị động trong quá trình triển khai CĐS...
Với quyết tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ CĐS nói chung và CĐS trong các cơ quan Đảng nói riêng, Ban chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 204 của Ban Bí thư Trung ương Đảng phê duyệt Đề án CĐS trong các cơ quan Đảng.
Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện CĐS trong các cơ quan Đảng là tiếp tục kiện toàn, bổ sung nhân lực có trình độ cao về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS.
Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi để thu hút chuyên gia, nhân lực tham gia xây dựng, phát triển chính quyền điện tử; thực hiện chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực nghệ thông tin, an toàn thông tin, viễn thông.
Tiến hành rà soát, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật kiến thức về quản trị hệ thống, an toàn thông tin... cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin. Tăng cường bồi dưỡng kỹ năng sử dụng các ứng dụng, phân tích, khai thác, sử dụng dữ liệu số cho cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tổ chức các đoàn nghiên cứu, học tập trong và ngoài tỉnh; phối hợp với các cơ quan, học viện, các trường đại học để tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về quản trị mạng, an toàn, bảo mật thông tin.
Thanh Huyền