Nghề giò chả ở thôn Ước Lễ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) tồn tại hàng trăm năm. Làng nghề này thu hút du khách tìm hiểu văn hóa, truyền thống...
Nghề làm giò chả Ước Lễ được cho là tồn tại từ thời nhà Mạc (1527-1592). Tương truyền, một cung tần trong triều đình là người làng Ước Lễ về quê xây cổng làng và dạy cho dân cách làm giò chả.
Trải qua bao thế hệ, giò chả không chỉ là món ăn mà còn trở thành biểu tượng văn hóa của làng nghề. Cái tên Ước Lễ đã trở thành thương hiệu “hữu xạ tự nhiên hương”, theo chân những người con xa quê tỏa đi khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Hiện nay, người địa phương không chỉ duy trì nghề truyền thống có lịch sử tới 500 năm mà còn nỗ lực phục dụng những nghi lễ truyền thống, không gian trải nghiệm hấp dẫn du khách.
Lễ hội truyền thống làng Ước Lễ năm nay diễn ra từ ngày 7 đến hết 9.4, với nghi lễ rước kiệu Thánh, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ... 5 năm làng mới tổ chức lễ rước một lần, do đó người dân chuẩn bị sản vật cúng lễ long trọng hơn, tổng hơn 200kg giò, chả...
Hơn 50 người dân từ trẻ đến già cùng đắp ống chả quế nặng hơn 100kg, hấp giò lụa, chả mỡ... để dâng lễ và rước kiệu Thánh.

Lễ hội truyền thống ở làng nghề giò chả Ước Lễ.
Ghé thăm Ước Lễ đúng dịp lễ hội, Zya Ribouchon, du khách người Pháp, cùng gia đình được dân làng mời trải nghiệm giã giò bằng chày gỗ, thưởng thức đặc sản giò chả truyền thống.
"Nghề truyền thống không còn hiện diện nhiều ở Pháp. Hiếm có nơi nào còn giữ nghề truyền thống thế như ngôi làng này. Tôi đã thử giã giò, thực sự thú vị. Nhưng chỉ được vài nhịp là mỏi tay", nữ du khách chia sẻ.
Zya cùng gia đình 6 người có dịp đi xe đạp vãn cảnh làng, ngắm nhìn những căn nhà mang lối kiến trúc xưa cũ của làng quê Bắc Bộ ở Ước Lễ. "Tôi sẽ kể cho bạn bè, người thân về ngôi làng này. Nơi đây có lịch sử, văn hóa và ẩm thực đặc sắc", cô cho hay.

Đoàn khách Pháp trải nghiệm giã giò thủ công trong Lễ hội truyền thống làng Ước Lễ.
Không chỉ khách quốc tế thích thú với những hoạt động truyền thống dịp hội làng, khách Việt cũng hào hứng trải nghiệm.
Bà Đặng Thị Hảo, từ Bình Dương về thăm làng dịp lễ hội truyền thống, cho biết dù là người con của làng Ước Lễ, đây là lần đầu tiên trải nghiệm giã giò bằng tay.
Nghe tiếng chày cối, bà Thảo nhớ lại kỷ niệm những ngày xưa cũ: "Điều này còn nhắc nhở thế hệ sau hiểu về nghề của cha ông, khắc cốt ghi tâm truyền thống".
Bà cho biết bạn bè rất thích giò chả Ước Lễ và muốn ghé thăm làng để cảm nhận không khí lễ hội, tìm hiểu về nghề truyền thống.

Nghệ nhân làm giò chả Nguyễn Viết Minh (trái) đang hướng dẫn du khách giã giò bằng chày, cối đá theo cách truyền thống. Ảnh: Phạm Huyền
Ông Đặng Hồng Sơn - đại diện ban tổ chức lễ hội truyền thống làng Ước Lễ, cho biết: "Làng nghề Ước Lễ đang xây dựng những trải nghiệm dành cho khách du lịch để vừa tìm hiểu nghề truyền thống, ẩm thực, vừa du lịch trải nghiệm, gắn với tâm linh".
Sở hữu những di tích lịch sử như Đình Ước Lễ, chùa Sổ 500 tuổi... cùng văn hóa, truyền thống đặc sắc, làng nghề Ước Lễ là điểm đến hấp dẫn ở Thủ đô. Khách du lịch ghé làng vãn cảnh có thể cùng người dân trải nghiệm giã giò, chế biến giò chả, thưởng thức ẩm thực địa phương...
Theo ông Sơn, làng Ước Lễ định hướng phát triển du lịch với sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, doanh nghiệp du lịch, lữ hành.
Hiện tại, một số hộ dân ở Ước Lễ đã đón khách trải nghiệm giã giò bằng tay, tìm hiểu nghề truyền thống, tham quan các di tích lịch sử trong làng.
Nghệ nhân làm giò chả Nguyễn Viết Minh (65 tuổi) cho biết mỗi thứ 3, thứ 5 và thứ 7 hàng tuần lại về làng hướng dẫn những nhóm khách du lịch, đoàn học sinh từ các trường trải nghiệm giã giò thủ công.
"Tôi mong muốn khách du lịch biết đến văn hóa đặc trưng của làng Ước Lễ, thấy được nét truyền thống, sự kỳ công của quá trình làm giò chả thủ công", ông Minh cho hay.
Năm 2023, giò chả Ước Lễ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ nhãn hiệu tập thể, tạo cơ hội cho giò chả Ước Lễ nâng tầm thương hiệu, khẳng định giá trị sản phẩm làng nghề.
Sau khi đón nhận nhãn hiệu tập thể, Hợp tác xã Giò chả Ước Lễ phối hợp với các cơ quan quản lý, doanh nghiệp... mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương, xây dựng làng nghề trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
(Theo Báo Lao động)