Làm việc từ xa là một hình thức làm việc được áp dụng từ lâu ở nhiều nước trên thế giới, nhưng với Việt Nam, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hình thức này ít được áp dụng. Chính vì vậy, thông tin Bộ Nội vụ đang xây dựng phương án triển khai hình thức này ở một số nhiệm vụ nhất định được đông đảo người lao động quan tâm.
Phạm Xuân Ẩn (1927-2006) là nhà tình báo và nhà báo huyền thoại của Việt Nam, từng làm việc cho hãng tin Reuters, tạp chí Time và tờ báo New York Herald Tribune của Mỹ giai đoạn 1960-1975 tại miền Nam Việt Nam.
Ông chính là một điển hình của một người làm việc từ xa bởi trong gần 15 năm làm việc cho các cơ quan trên, ông chưa hề đặt chân đến trụ sở của đơn vị quản lý mình mà vẫn liên tục có những sản phẩm được bạn bè, đồng nghiệp trên khắp thế giới ngưỡng mộ.
Thậm chí nhiều lần được lãnh đạo cơ quan chủ quản công khai tuyên bố ông chính là một trong những con “Át chủ bài” của đơn vị, người có thể thường xuyên tạo ra những cơn địa chấn bởi thông tin mới, nóng, độc nhất về chiến tranh Việt Nam mà mọi hãng tin trên thế giới lúc đó không thể có được.
Nhắc đến đây tôi chợt nhớ lại hơn chục năm trước, một buổi chiều đi làm về thấy bạn tôi ngao ngán kể chuyện từ tuần tới cơ quan sẽ áp dụng chế độ điểm danh, điểm chỉ khi qua cổng và sử dụng camera theo dõi tại phòng làm việc để kiểm soát chặt chẽ cán bộ trong thời gian làm việc.
Quy định này dẫn đến một sự bất mãn đáng kể với đội ngũ cán bộ, công chức, bởi họ làm việc trong một đơn vị hoàn toàn có thể linh động về thời gian mà vẫn đảm bảo được hiệu quả công việc nhưng lại phải thực hiện một quy định rất bất hợp lý.
Đáng chú ý hơn nữa là vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có phương phức điều hành công việc thiếu khoa học của lãnh đạo, cơ quan này trở thành nơi có số lượng cán bộ, công chức bỏ, nghỉ, chuyển công tác nhiều nhất trên địa bàn.

Làm việc từ xa đang là xu hướng được người lao động, nhất là giới trẻ quan tâm.
Thực tế cho thấy, dù ở Việt Nam hay nước ngoài, dù làm việc từ xa hay làm việc trực tiếp đều có những lợi ích và hạn chế. Cần tùy thuộc vào công việc và nhân lực để có thể áp dụng. Tuyệt đối không được máy móc, cứng nhắc.
Theo đánh giá của một số chuyên gia, xu hướng làm việc từ xa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và mở rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Cùng với đó, ngày càng có nhiều người chọn gắn bó với hướng làm việc này, đặc biệt thu hút đối với nguồn nhân lực trẻ.
Ưu điểm của làm việc từ xa là ít bị ảnh hưởng các phiền nhiễu tác động, không phải dành quá nhiều thời gian cho hội họp, có thêm thời gian cho việc chăm sóc gia đình, có quyền lựa chọn một không gian riêng tư để tự do sáng tạo…
Tuy nhiên, hình thức làm việc từ xa cũng có khá nhiều vấn đề cần chú ý. Đó có thể là sự cô đơn, thiếu chuyên nghiệp và hạn hẹp cơ hội thăng tiến. Bởi không có sự giám sát chủ động nên có thể người làm việc tại nhà sẽ lơ đễnh, không tự giác và thiếu tập trung vào mục tiêu công việc, không phân chia tốt thời gian cho nhiệm vụ cơ quan và việc cá nhân hoặc rơi vào tình trạng làm việc không có điểm dừng, thời gian nghỉ ngơi không hợp lý…
Trong khi đó, Bộ Nội vụ cho rằng, các quốc gia trên thế giới đều rất quan tâm đến quyền nghỉ ngơi của công chức với số ngày nghỉ rất cao. Tại một số quốc gia, nếu công chức không nghỉ hết các ngày nghỉ quy định trong năm sẽ được cộng dồn, sử dụng trong suốt cuộc đời công chức.
Việt Nam có thể cân nhắc bổ sung quy định về các ngày nghỉ, với các mục đích nghỉ như giải quyết việc riêng; kéo dài thời gian nghỉ thai sản; nhận con nuôi; chăm sóc con cái, bố mẹ, anh chị em ruột ốm; tham gia các hoạt động xã hội.
Về chế độ làm việc, trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số và công dân số, Bộ Nội vụ đề xuất xem xét cho một số công chức được làm việc bán thời gian, làm việc từ xa, chú trọng vào hiệu quả công việc.
Chế độ làm việc này có thể áp dụng với một số công việc đặc thù không phải tiếp công dân; công chức phải chăm sóc con nhỏ, cha mẹ già ốm yếu và điều kiện nhà ở khu vực trung tâm đắt đỏ.
Theo Bộ Nội vụ, chế độ làm việc từ xa giúp cơ quan, đơn vị giảm thiểu chi phí về năng lượng chiếu sáng, điều hòa, máy móc, phòng làm việc. Mặt khác, công chức cũng có điều kiện chăm sóc gia đình và làm việc linh hoạt.
Vì thế, Bộ Nội vụ đề xuất quy định về điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng công chức Việt Nam cần cụ thể, rõ ràng, đo lường được (nhất là yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức).
Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng và ban hành quy định về đạo đức công vụ và chuẩn mực giao tiếp, ứng xử để làm căn cứ xử lý kỷ luật công chức vi phạm vấn đề này khi thi hành công vụ; chú trọng đến tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, hạn chế tình trạng công chức kiêm nhiệm giữ các chức vụ trong cơ quan dân cử để đảm bảo tính khách quan trong quá trình làm việc.
Những đề xuất của Bộ Nội vụ là một bước tiến quan trọng trong việc cải cách chế độ công vụ, công chức, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội hiện đại và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đội ngũ công chức. Việc tạo điều kiện làm việc linh hoạt hơn không chỉ giúp công chức cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả làm việc và thu hút, giữ chân nhân tài.
Theo chúng tôi, một trong những điều kiện tiên quyết để có thể làm việc từ xa là người lao động phải có năng lực thực sự, có tâm huyết với công việc và tinh thần tự giác, trách nhiệm cao độ. Tất nhiên, với những người này, làm xa hay gần thì Nhà nước hay cơ quan chủ quản đều được lợi.
Ngược lại, với một bộ phận cán bộ, công chức làm việc kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, sự lười nhác về hành động và trì trệ về tư duy khiến họ dù có đi làm trực tiếp hay từ xa cũng không mang lại hiệu quả gì. Do đó, đối tượng cần tinh giản đầu tiên chính là đây.
Long Dương