Những mái nhà rông truyền thống tại Gia Lai và Kon Tum đang được bảo tồn nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển du lịch.

Nhà rông truyền thống tạo dấn ấn cho các làng du lịch cộng đồng.
UBND huyện Kon Plông (Kon Tum) vừa tổ chức Lễ khánh thành nhà rông văn hóa thôn Kon Leang, thị trấn Măng Đen.
Công trình được xây dựng theo kiến trúc nhà rông truyền thống, với móng, trụ và nền bằng bê tông lót đá; sàn, bậc cấp và vách bằng ván gỗ; mái lợp tranh tự nhiên. Tổng kinh phí đầu tư hơn 786 triệu đồng.
Tại huyện Tu Mơ Rông, chính quyền và người dân cùng chung tay xây dựng nhà rông, nhà dài truyền thống tại làng du lịch cộng đồng Tu Thó.
Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, ông Võ Trung Mạnh, nhấn mạnh: “Nhà rông, nhà dài không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Cùng với cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa thế giới, nhà rông luôn thu hút du khách đến khám phá và tìm hiểu”.

Đoàn khách du lịch chụp ảnh lưu niệm trước nhà rông ở huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum.
Tại Gia Lai, người dân xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tự hào với hai ngôi nhà rông truyền thống lớn nhất Tây Nguyên.
Đặc biệt, nhà rông làng Kon Sơ Lăh được làm hoàn toàn từ gỗ quý, vẫn giữ nguyên nét truyền thống với mái lợp tranh, cột và xà bằng gỗ dù đối mặt với làn sóng bê tông hóa.
Nhà rông không chỉ là biểu tượng linh thiêng mà còn tượng trưng cho sự che chở cộng đồng, mang lại bình yên và mùa màng bội thu. Trước nhà rông bề thế, già làng đặt thêm chiếc kẻng để báo hiệu các sự kiện quan trọng hoặc lễ hội.
Đây cũng là nơi treo bằng khen ghi nhận thành tích học tập và lao động giỏi của con em trong làng, góp phần gìn giữ niềm tự hào văn hóa dân tộc.
Bảo tồn và phát huy giá trị nhà rông không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa mà còn thúc đẩy du lịch cộng đồng tại Gia Lai và Kon Tum.
Du khách đến đây không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của nhà rông mà còn hòa mình vào các lễ hội văn hóa, thưởng thức những làn điệu cồng chiêng đặc sắc.
(Theo Báo Lao động)