Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để lãnh đạo công cuộc xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng để Đảng ta nghiên cứu, vận dụng, từ đó đề ra đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn; tiền đề căn bản để sự nghiệp đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các kiều bào tiêu biểu về dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Tri thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài, ngày 23-8-2024. TTXVN.
1- Phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh hiểu theo nghĩa rộng là sự vận động của tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực tiễn; là hệ thống quan điểm, phương pháp luận định hướng nhận thức và hành động cách mạng, được hình thành trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng với thực tiễn cách mạng thế giới, hướng đến mục tiêu giải phóng dân tộc, giai cấp, giải phóng con người, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản vì hạnh phúc của nhân loại. Nói về điều này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “vận dụng và phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử kết hợp với những nhân tố biện chứng trong tư tưởng triết học của Việt Nam, của phương Đông và rút ra từ cuộc đời hoạt động cách mạng, từ việc hướng dẫn xử thế hằng ngày đầy tinh thần cách mạng và lòng nhân ái”(1). Theo nghĩa hẹp, phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh là hệ thống cách thức, biện pháp điều chỉnh và hướng dẫn hành động của Người đối với các lực lượng cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Theo đó, phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh được thể hiện ở: 1- Cách thức định hướng đường lối, mục tiêu của cách mạng; 2- Cách thức tập hợp, huy động lực lượng cách mạng; 3- Cách thức huy động các điều kiện vật chất, tinh thần cho hành động cách mạng; 4- Biện pháp tiến hành cách mạng.
2- Trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước (từ năm 1986 đến nay), dựa trên việc vận dụng, phát triển sáng tạo phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam nghiên cứu, xây dựng hệ thống đường lối, chính sách lãnh đạo sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, thể hiện trên các nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, vận dụng cách thức định hướng đường lối, mục tiêu của cách mạng theo phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn xác định được đường lối, mục tiêu cách mạng đúng đắn, xuất phát từ khát vọng của nhân loại, lấy tâm của mọi người làm tâm của mình để suy nghĩ và hành động cách mạng sao cho ích nước, lợi dân. Từ đó, hình thành ở Người quan điểm sống tích cực, vì nhân loại và hài hòa với xã hội, rằng “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(2), phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”(3).
Trong bài Người cách mạng mẫu mực, viết năm 1926, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tới 12 yêu cầu đối với một người cách mạng mẫu mực. Trong đó nhấn mạnh, người cách mạng “Đêm ngày nghĩ đến sự nghiệp cách mạng và cứu độ nhân loại. Hy sinh tiền bạc, thời gian và cả máu vì lợi ích các dân tộc bị áp bức”(4). Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì tư tưởng dân tộc trên hết, “phải tuân thủ theo phương châm “TỔ QUỐC TRÊN HẾT” ở mọi nơi và mọi lúc”(5).
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tư tưởng và ý thức của đảng viên cách mạng không phải là cái gì mơ hồ không sờ mó được. Nó tỏ rõ trong cách làm việc, trong cách xem xét và bàn bạc các vấn đề, trong hành động, kế hoạch, phương châm của ta. Nó đặc biệt tỏ rõ trong sự xem xét, bàn bạc, hành động của ta đối với các vấn đề quan trọng của những cuộc đấu tranh chính trị”(6). Vì vậy, “muốn biết một chính đảng, hay một người có phải là Đảng hay chiến sĩ tiên phong của vô sản hay không, ta không nên chỉ xem những tuyên ngôn, nghị quyết và nghe lời nói của họ; ta cần xét hành vi chính trị của họ, lập trường và thái độ của họ trong những cuộc đấu tranh chính trị thế nào?”(7).
Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đổi mới đúng đắn trên cơ sở vận dụng sáng tạo phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 xác định các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Do nhân dân lao động làm chủ; có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc(8).
Trên cơ sở thực hiện Cương lĩnh (năm 1991), Đại hội XI của Đảng khẳng định: “kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”(9), đồng thời thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: xã hội xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng bao gồm 8 đặc trưng: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới”(10).
Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Các mục tiêu đặt ra dần được hiện thực hóa: “kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố”(11). Quy mô tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2023 đạt khoảng 433,3 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á và là nền kinh tế lớn thứ 34 trên thế giới. Năm 2024, quy mô GDP của Việt Nam được dự báo đạt khoảng 465,8 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực(12). Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt ngưỡng 4.000 USD/người/năm; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt mức kỷ lục 732 tỷ USD, đưa Việt Nam vào trong nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới và duy trì xuất siêu năm thứ bảy liên tiếp(13). Dựa trên thực tế phát triển của đất nước, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(14).
Kiên định với mục tiêu của cách mạng, trong phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh có sự mềm dẻo trong sách lược. Điều này được thể hiện trong triết lý “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là một điển hình, mẫu mực về xử lý mối quan hệ giữa tính kiên định về nguyên tắc và tính linh hoạt, mềm dẻo về sách lược; trong mối quan hệ giữa mục tiêu lâu dài và mục tiêu trước mắt...
Với chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động, tích cực, linh hoạt trong hội nhập quốc tế, Việt Nam trở thành địa điểm gặp gỡ, giao lưu văn hóa, kinh tế, đối thoại, an ninh chính trị, an toàn của tất cả các nước và tổ chức quốc tế lớn trên thế giới; đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, thiết lập đối tác toàn diện, chiến lược toàn diện với nhiều nước trên thế giới, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Trên cơ sở những thành tựu đạt được, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo: “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(15); “Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(16).
Thứ hai, vận dụng cách thức tập hợp, huy động lực lượng cách mạng theo phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh.
Điểm đặc sắc của phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh là lấy đoàn kết làm trung tâm, kết hợp chặt chẽ đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng trong đấu tranh cách mạng, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Trong đó, nguyên tắc chính là chân thành, dùng lòng người, chính nghĩa để cảm hóa, vận động, lôi kéo, tin vào dân, dựa vào dân, vì lợi ích của dân; đoàn kết lâu dài, rộng rãi, chặt chẽ, tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo; đoàn kết trên cơ sở hiệp thương, dân chủ, thẳng thắn, thân ái; đoàn kết gắn với đấu tranh, tự phê bình và phê bình; đoàn kết trên cơ sở kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết của dân tộc.
Đoàn kết trong tư tưởng Hồ Chí Minh bao hàm nội dung rất rộng. Đó là đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. “Đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ, đồng thời phải củng cố: Nền có vững nhà mới chắc chắn, gốc có tốt thì cây mới tốt tươi. Trong chính sách đoàn kết cần phải chống hai khuynh hướng sai lầm: cô độc hẹp hòi và đoàn kết vô nguyên tắc. Phải lấy công tác mà củng cố đoàn kết. Phải lấy đoàn kết mà đẩy mạnh công tác”(17). Theo đó, để tập hợp, huy động lực lượng cách mạng cần sự hiểu biết, phân tích sâu sắc về đặc điểm, xu hướng biến đổi, thái độ chính trị của các giai cấp, lực lượng cách mạng. Đối với mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam dù trong đấu tranh giành độc lập dân tộc hay trong xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thì liên minh giai cấp là yếu tố quyết định, trong đó nòng cốt là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng yếu tố tương đồng, giảm bớt sự dị biệt, tạo mẫu số chung cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra quan điểm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở điểm tương đồng giữa các giai tầng trong xã hội, thời kỳ đổi mới.
Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gần 40 năm đất nước thực hiện đường lối đổi mới, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc được củng cố mạnh mẽ; dân chủ xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát huy được quyền làm chủ của nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò lãnh đạo đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, góp phần quan trọng trong bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của nhân dân ngày càng tốt hơn; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị và đời sống xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu: “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Không chỉ chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất quan tâm tới việc thiết lập và phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với các lực lượng đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Theo Người: “Xét về nguyên tắc, tiến bộ chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế; và văn minh chỉ có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”(18). Cách đặt vấn đề của Người cho thấy, cách mạng chỉ đạt được sự thắng lợi hoàn toàn nếu có sự đoàn kết của quần chúng nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
.jfif)
Cán bộ, sĩ quan Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 và Đội Công binh số 3 tại Lễ phát động thi đua trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan và khu vực Abyei. Ảnh: TTXVN
Gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước luôn ổn định về an ninh chính trị, trật tự xã hội; quốc phòng - an ninh được củng cố, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần chủ động, linh hoạt, hài hòa, Việt Nam đã tham gia các tổ chức quốc tế lớn. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam thiết lập quan hệ đối ngoại đảng với 254 chính đảng ở 114 quốc gia(19). Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong các tổ chức, diễn đàn uy tín trong khu vực và trên thế giới, như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77; tổ chức thành công Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2; Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA, Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc hai nhiệm kỳ 2014 - 2016, 2023 - 2025, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013 - 2017, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc... Đến nay, Việt Nam đã cử 799 lượt cán bộ, nhân viên tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại 3 phái bộ và Trụ sở Liên hợp quốc(20), tham gia tìm kiếm, cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân văn và có trách nhiệm với cộng đồng bạn bè quốc tế.
Thứ ba, vận dụng cách thức huy động các điều kiện vật chất, tinh thần theo phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh.
Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có phương pháp huy động tối đa lực lượng vật chất và tinh thần trong nhân dân phục vụ cho cách mạng. Chẳng hạn, “Quỹ độc lập” - “Tuần lễ VÀNG” tháng 9 năm 1945, hũ gạo tiết kiệm,... phát huy mạnh mẽ sức mạnh lòng dân phục vụ kháng chiến. Trong Thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp “Tuần lễ Vàng”, Người nhấn mạnh: “Muốn củng cố nền tự do độc lập, chúng ta cần sức hy sinh, phấn đấu của toàn quốc đồng bào, cần sức quyên góp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có”(21).
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực trên cơ sở toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước, bình đẳng giữa các nước có chủ quyền. “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình. b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế. c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc”(22).
Sau khi nước nhà độc lập, năm 1946, trong Thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực. Theo đó, Người nêu ra một số giải pháp: Việt Nam sẽ dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, các nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; sẵn sàng chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế; sẵn sàng ký kết các hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan... Ngay trong những năm kháng chiến chống Pháp, Người khẳng định rõ thiện chí: “Chúng tôi rất hoan nghênh tư bản Pháp và tư bản các nước cộng tác thật thà với chúng tôi”, “Chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu, đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”(23).
Gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc, chuẩn mực của thị trường toàn cầu và của Việt Nam. Trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Việt Nam đảm nhiệm thành công nhiều cương vị quan trọng tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế, khu vực, nhất là vai trò nước chủ nhà APEC 2017, tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam, Hiệp định đối tác toàn diện của ASEAN,... Điều này khẳng định tiềm lực ngày càng mạnh mẽ của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế, đồng thời hiện thực hóa chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam.

Du thuyền quốc tế neo đậu tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Nguồn: nhiepanhdoisong.vn
Thứ tư, vận dụng biện pháp tiến hành cách mạng theo phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh.
Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp hòa bình với sử dụng bạo lực cách mạng; kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị của quần chúng với lực lượng vũ trang của nhân dân, giữa khởi nghĩa toàn dân với chiến tranh cách mạng; kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao; lợi dụng triệt để mâu thuẫn nội bộ của địch, phân hóa và cô lập cao độ kẻ thù, giành thắng lợi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, cuối cùng đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh trở thành nghệ thuật trong việc phân tích, chuyển hoá, thúc đẩy mâu thuẫn, phân hoá kẻ thù; kết hợp các mặt đối lập, tranh thủ tối đa cơ hội hoà bình, tránh chiến tranh; dùng cách mạng chống phản cách mạng; nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, tổng thể, hệ thống; phát huy tổng lực sức mạnh vật chất và tinh thần của nhân dân theo phương châm: toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh; tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ thế giới; chớp thời cơ; kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại, chờ thời cơ; lấy yếu thắng mạnh, lấy nhu thắng cương, chính nghĩa thắng phi nghĩa; kết hợp các mục tiêu, chú trọng mục tiêu chiến lược, cơ bản; vừa chiến đấu, vừa kiến thiết; tầm nhìn xa trông rộng, có tính chiến lược; linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo; có niềm tin mãnh liệt vào thành công của cách mạng, truyền cảm hứng niềm tin cho nhân dân; bình tĩnh, chủ động, quan điểm phát triển; nhất quán và kiên định.
Bên cạnh đó, phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh được thể hiện qua nghệ thuật nắm thời cơ, “dụng binh, dụng pháp” linh hoạt, uyển chuyển của triết lý phương Đông. Người luôn chú ý đến tạo lực, lập thế, tranh thời, dùng mưu, phát huy các nhân tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, “lực, thế, thời, mưu” có quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo điều kiện cho nhau. Thế và lực vận động sẽ tạo nên thời, biết dùng mưu thì hạn chế chỗ mạnh của địch, phát huy điểm mạnh của ta, tạo nên chuyển biến về chất để giành thắng lợi quyết định. Trong ba nhân tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” thì “nhân hoà” là quan trọng nhất, là nhân tố quyết định.
Trong điều kiện hòa bình, kiến thiết đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra yêu cầu, cách thức để xây dựng chủ nghĩa xã hội. “Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của chúng ta hiện nay là phát triển sản xuất, để nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Muốn có chủ nghĩa xã hội thì không có cách nào khác là phải dốc lực lượng của mọi người ra để sản xuất”(24). Theo đó, “Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”(25).
Vận dụng sáng tạo phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh trong cách thức tiến hành cách mạng thời kỳ đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra nhiều quan điểm linh hoạt, sáng tạo, biện chứng, toàn diện để thực hiện nhiệm vụ cụ thể của cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử nhất định, đưa đất nước hội nhập và phát triển lên một tầm cao mới. Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh””(26). Việt Nam kiên định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả quốc gia và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam không ngừng nỗ lực làm sâu sắc thêm và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đối tác hợp tác cùng có lợi với các quốc gia; không liên minh với nước này để chống nước khác. Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, thực hiện nguyên tắc độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi.
Trong cách thức tiến hành cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới động lực tinh thần, phát huy tính tích cực của mỗi con người, thúc đẩy hành động cách mạng. “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Phải đánh bạt những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa tập thể thắng lợi, tức là phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ của công, chống tham ô, lãng phí”(27). Mọi người đều phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”. Chủ nghĩa cá nhân, lợi mình hại người, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật và những tính xấu khác là kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội. “Ai cũng phải là một chiến sĩ dũng cảm phấn đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cán bộ và đảng viên càng phải nâng cao tinh thần phụ trách trước Đảng và trước quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Phải yêu kính nhân dân. Phải thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân”(28).
Gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam, như lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự tôn và tự hào dân tộc, nhân cách, đạo đức, trí tuệ,... được phát huy mạnh mẽ. Tính tích cực xã hội, sức sáng tạo, năng lực của con người Việt Nam được khơi dậy mạnh mẽ. Đây là sức mạnh vĩ đại, nguồn năng lượng to lớn, sống động thúc đẩy sự phát triển của quốc gia - dân tộc trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giá trị văn hóa mới được định hình, góp phần vào việc lan tỏa, tiếp biến tinh hoa văn hóa nhân loại trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay. Các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường vì đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đã chứng minh cho tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, tính đúng đắn trong phương pháp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự vận dụng sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đất nước. Điều này tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại ./.
----------------
(1) Võ Nguyên Giáp: Về tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr. 40
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 51
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 603
(4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 513
(6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 291 - 292,292
(8) Xem: ““Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 25-11-2019, https://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-cuoc-thi/cuong-linh-xay-dung-dat-nuoc-trong-thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-nam-1991-543533.html
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 21
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr. 70
(11) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 33
(12) Xem: Hoàng Nguyễn: “Quy mô kinh tế đạt hơn 430 tỷ USD, Việt Nam được dự báo sẽ vượt Singapore sau 6 năm nữa?”, Tạp chí Con số & Sự kiện, ngày 23-5-2024, https://consosukien.vn/quy-mo-kinh-te-dat-hon-430-ty-usd-viet-nam-duoc-du-bao-se-vuot-singapore-sau-6-nam-nua.htm
(13) Xem: Tô Hà: “Quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 430 tỷ USD”, Báo Nhân Dân, ngày 1-1-2024, https://nhandan.vn/quy-mo-nen-kinh-te-viet-nam-dat-khoang-430-ty-usd-post790174.html#:~:text=NDO%20%2D%20GDP%20năm%202023%20ước,tương%20đương%20430%20tỷ%20USD
(14), (15), (16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 12, 180, 14
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 244
(18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 14
(19) Xem: “Trung ương: 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 203
(20) Xem: Mỹ Hạnh: “Việt Nam tiếp tục cử các sĩ quan tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, Báo Quân đội nhân dân, ngày 8-4-2024, https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-ngoai-quoc-phong/viet-nam-tiep-tuc-cu-cac-si-quan-tham-gia-hoat-dong-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc-771840
(21), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 16, 523
(23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 86(24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 68
(25) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 68
(26) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 65
(27) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 604
(28) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 67
Bình Duyên (Theo tapchicongsan.org.vn)