Kê khai tài sản, thu nhập là một trong những giải pháp góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc kê khai, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị được tỉnh quán triệt, triển khai nghiêm túc, công khai, minh bạch, đúng quy định của Nhà nước.
Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai 98 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính đối với 233 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua công tác thanh, kiểm tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 17,9 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 1,8 tỷ đồng. Các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh đã khởi tố 22 vụ, 40 bị can về tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Để từng bước hạn chế mức thấp nhất tham nhũng, tiêu cực, công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị là một trong những giải pháp thiết thực được tỉnh quan tâm.
Qua việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ có chức vụ, quyền hạn nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi tham nhũng, đảm bảo tính minh bạch, liêm chính trong quá trình bổ nhiệm, làm công tác nhân sự và xây dựng môi trường làm việc minh bạch, tạo niềm tin cho công chúng vào hệ thống quản lý nhà nước.

Cán bộ Thanh tra tỉnh thảo luận giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Trường Khanh
Thanh tra tỉnh kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. Chú trọng tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên về công tác này, trọng tâm là Chỉ thị số 33 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản; Quyết định số 56 của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; Luật Phòng, chống tham nhũng…
Qua triển khai các văn bản chỉ đạo và công tác tuyên truyền, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên về kê khai tài sản được nâng lên; việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập từng bước đi vào nền nếp. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm và kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập được tăng cường, có tác dụng tích cực đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Năm 2024, các sở, ngành, các huyện, thành phố đã triển khai việc kê khai tài sản với cán bộ, đảng viên thuộc diện phải kê khai. Đã có tổng số 3.855 bản kê khai thuộc 56 đơn vị, trong đó có 3.562 bản kê khai hằng năm; kê khai lần đầu 121 bản; kê khai bổ sung 172 bản. Thanh tra tỉnh thành lập các tổ xác minh tài sản thu nhập theo quy định.
Qua xác minh đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót trong việc kê khai tài sản như kê khai chưa đúng mẫu, chưa đúng hướng dẫn, khai không chính xác tổng thu nhập giữa 2 lần kê khai, một số trường hợp không giải trình biến động tài sản thu nhập tăng thêm...
Để việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức, có quyền trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đảm bảo thực chất, hiệu quả, cần tiếp tục cụ thể hóa các quy định liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức trong việc kiểm soát tài sản, thu nhập.
Tăng cường chế tài xử lý vi phạm, trong đó, tiến hành rà soát và điều chỉnh các hình thức xử lý vi phạm để đảm bảo tính răn đe đối với hành vi vi phạm quy định về kê khai tài sản, thu nhập. Công khai thông tin kê khai tài sản, thu nhập của cá nhân giữ chức vụ, quyền hạn; bên cạnh đó, đảm bảo thông tin công khai không bị lợi dụng.
Tiếp tục trang bị cho các cơ quan kiểm soát ứng dụng công nghệ mới như phần mềm phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo nhằm hỗ trợ việc phát hiện các giao dịch bất thường.
Quan tâm bồi dưỡng, đào tạo nhân lực, tổ chức chương trình đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, công chức về kiến thức, kỹ năng trong lĩnh vực kiểm soát tài sản, thu nhập. Quá trình xác minh cần chú trọng đến phần biến động tài sản, giải trình lý do biến động, từ đó góp phần đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thanh Tuyền