Lực lượng đặc biệt Colombia đã tiến vào "thành trì" của các nhóm vũ trang gần biên giới với Venezuela, trong nỗ lực tái khẳng định sự kiểm soát của chính phủ ở khu vực đang xảy ra xung đột.
Vùng núi non Catatumbo ở đông bắc Colombia đang trở thành tâm điểm của cuộc giao tranh đẫm máu giữa các nhóm vũ trang tìm cách kiểm soát địa bàn. Và lực lượng đặc biệt Colombia đã được triển khai đến khu vực, theo AFP.
Lực lượng chính phủ được triển khai đến ngoại ô Tibu ngày 21/1.
Giao tranh leo thang
Nằm ở biên giới Colombia giáp Venezuela, vùng Catatumbo có khoảng 300.000 dân và chiếm 15% trong tổng sản lượng coca của Colombia. Giới chức an ninh cho biết cuộc xung đột ở đây vừa xảy ra giữa tổ chức Quân đội Giải phóng Quốc gia (ELN) và đối thủ FARC-EMC, phần còn lại của Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC).
FARC được thành lập từ năm 1964 và đến năm 2016 đã đồng ý giải giáp sau khi ký kết thỏa thuận hòa bình lịch sử với chính phủ Colombia để chấm dứt cuộc vũ trang dai dẳng nhất Mỹ Latin. Trong khi khoảng 11.000 thành viên FARC buông vũ khí vào năm 2016, một số ít tiếp tục bám trụ ở một số vùng của Colombia. Còn ELN cũng được thành lập từ năm 1964 và đến nay có khoảng 6.000 tay súng. AFP dẫn lời giới chuyên gia cho biết vai trò lãnh đạo của ELN ở Catatumbo vấp phải sự cạnh tranh gay gắt của thế lực FARC-EMC đang gia tăng sự ảnh hưởng.
FARC-EMC và ELN từ lâu đấu tranh nhằm giành quyền kiểm soát vùng Catatumbo và các tuyến đường buôn lậu ma túy đầy lợi nhuận ở đây, trước khi đạt được thỏa thuận đình chiến. Tuy nhiên, đến tuần trước, bạo lực leo thang ở khu vực khi các thành viên ELN tấn công dân thường, cáo buộc họ bắt tay với FARC-EMC.
AP đưa tin các tay súng xông vào một số nhà dân và kéo người bên trong ra ngoài, trước khi xử tử các nạn nhân ở khoảng cách gần. Chỉ trong vòng 6 ngày, ít nhất 100 người thiệt mạng vì bạo lực xảy ra ở 3 thành phố Tibu, Ocaña và Cúcuta. LHQ ước tính hơn 20.000 người phải tháo chạy, khoảng 30 người bị bắt cóc và 1.000 người bị mắc kẹt trong nhà vì nguy cơ bạo lực.
Ban bố tình trạng khẩn cấp
Cuối tuần trước, Tổng thống Colombia Gustavo Petro thông báo ngừng hoạt động hòa đàm với ELN với lý do tổ chức này đã phạm tội ác chiến tranh, theo AFP. "ELN đã chọn con đường chiến tranh, và họ sẽ nhận được điều đó", Tổng thống Petro nhấn mạnh, trước khi ban bố tình trạng khẩn cấp đối với vùng Catatumbo.
Việc ban bố tình trạng khẩn cấp cho phép lực lượng hành pháp trong vòng 3 tháng thông qua những đạo luật cụ thể mà không cần sự phê chuẩn của quốc hội. Tuy nhiên, Tòa Hiến pháp Colombia có thể vô hiệu hóa sắc lệnh của tổng thống nếu cảm thấy không phù hợp. "Tôi hy vọng nhận được sự ủng hộ của phía tư pháp", ông Petro viết trên mạng xã hội X.
Chính phủ cũng triển khai khoảng 5.000 quân đến vùng biên giới với hy vọng có thể sớm kiểm soát được tình trạng bạo lực nghiêm trọng nhất mà nước này phải đối mặt trong vài năm qua. Những chốt gác tạm thời đã được thiết lập ở vùng ngoại ô TP.Tibu. Tuy nhiên, những cuộc chạm trán giữa lực lượng đặc biệt với các tay súng vũ trang vẫn chưa xảy ra, bao gồm tại những địa điểm giao tranh ác liệt nhất.
Q.N (theo Báo Thanh niên)