Nhận thức rõ vấn nạn ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, anh Trần Ngọc Thuận (28 tuổi, ngụ xã Vĩnh Trung, H.Tịnh Biên, An Giang) đã nghiên cứu sản xuất ra các sản phẩm từ lục bình.
Kiên trì học hỏi
Anh Thuận khởi nghiệp từ cây lục bình vào năm 2019. Ban đầu, anh chủ yếu sản xuất sợi lục bình khô để làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Nhờ kiên trì, ham học hỏi nên công việc làm ăn có hiệu quả.
Anh Thuận với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ lục bình.
Hiện mỗi tháng anh Thuận cung cấp cho thị trường khoảng 3 tấn lục bình phơi khô, với giá 18.000 - 20.000 đồng/kg. Đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ như túi xách, ví, nón, hộp đựng đồ… anh cung ứng từ 100 - 120 sản phẩm, giá bán 200.000 - 250.000 đồng/sản phẩm. Nhờ đó, anh thu lãi hơn 40 triệu đồng/tháng.
Trong quá trình sản xuất, anh Thuận nhận thấy nhiều phế phẩm từ sợi lục bình khô bị bỏ đi, gây thất thoát và ảnh hưởng doanh thu của cơ sở. Từ đó, anh nảy sinh ý tưởng tạo ra giấy lục bình và làm ra các sản phẩm chén, đĩa dùng một lần từ nguyên liệu này.
"Lục bình bị xem là loài cây gây hại vì phát triển quá nhanh, cản trở giao thông đường thủy và làm nghèo nguồn ô xy của các dòng sông. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản là biến cây gây hại này trở nên có ích. Sau khi tìm hiểu, tôi nhận ra chúng là nguồn nguyên liệu tuyệt vời để thay thế sản phẩm nhựa", anh Thuận chia sẻ.
Sản phẩm chén, đĩa làm từ lục bình
Trải qua 3 năm nghiên cứu, năm 2024, sản phẩm chén, đĩa làm từ lục bình của anh Thuận được định hình. Tuy nhiên, do làm hoàn toàn thủ công nên độ nén và liên kết của sản phẩm chưa cao. Chàng trai trẻ vùng Thất Sơn đang tìm kiếm vốn đầu tư, xây dựng hệ thống làm sản phẩm hoàn toàn bằng công nghệ để ra mắt thị trường trong thời gian sớm nhất.
Theo anh Thuận, để "biến" lục bình thành giấy phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Trước tiên là thu gom lục bình trên các dòng sông, kênh, rạch rồi làm sạch, loại bỏ tạp chất. Sau đó, nghiền thành bột mịn, đem nấu để tách thành phần hữu cơ, cho vào máy tạo phôi giấy.
"Nhiệt độ khi nấu phải đạt từ 1.000 - 1.300 độ C. Nấu xong, cho bột lục bình vào khuôn và ép tách nước. Bột phải được cán đều trong khuôn với độ dày nhất định. Tiếp đến là công đoạn sấy khô giấy với nhiệt độ từ 500 - 800 độ C. Sau cùng là ép chén, đĩa. Máy ép phải được thiết kế chuyên dụng và đảm bảo nhiệt độ nhất định, tránh gây sạm màu khi ép", anh Thuận cho biết.
Anh Thuận đang tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân quan tâm đến môi trường. Đồng thời, anh cũng không ngừng cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm chén, đĩa, giấy từ lục bình nhằm mục đích giảm giá thành.
Vừa qua, dự án "Sản xuất chén, đĩa dùng một lần từ giấy lục bình" của anh Thuận đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang năm 2024.
Vũ Hương (Theo thanhnien.vn)