Từ cây su su giảm nghèo
Trong mỗi bữa ăn của các du khách khi đến với thị trấn Tam Đảo núi không thể thiếu món rau su su xào tỏi. Nhờ khí hậu lạnh, ẩm nên ngọn su su ở đây dài, mập và xanh mơn mởn. Chỉ ăn 1 lần là du khách nhớ mãi vị giòn, ngọt của loài rau này nên diện tích trồng su su ngày càng được mở rộng.
Cây su su ở thị trấn Tam Đảo (Ảnh tư liệu)
Có thời điểm, diện tích trồng su su ở thị trấn Tam Đảo lên tới hơn 40 ha, màu xanh ở các sườn núi chạy dài, ngút tầm mắt. Nhà nhà trồng su su, người người trồng su su; nông dân tận dụng những khoảng đất trống để trồng su su, thậm chí trồng cả lên tường rào của các gia đình. Mỗi gia đình trồng từ 4-5 sào su su sẽ thu về 20-30 triệu đồng/năm, thậm chí, có hộ thu về trên dưới trăm triệu đồng khi trồng vài mẫu su su. Từ đây, cuộc sống của người dân địa phương dần ổn định, khấm khá hơn.
Thương hiệu rau su su an toàn giúp nhiều hộ nông dân ở thị trấn Tam Đảo thoát nghèo (Ảnh tư liệu)
Cùng với phát triển vùng trồng rau su su, Đảng ủy thị trấn Tam Đảo khuyến khích người dân trồng hoa, cây cảnh như đào, đỗ quyên, phong lan... để kinh doanh nhằm tăng thu nhập, giải quyết việc làm. Kết quả, giai đoạn 2015-2020 và trước đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân của thị trấn đạt gần 18%. Riêng năm 2020, nguồn thu từ dịch vụ-du lịch ở địa phương đạt gần 165 tỷ đồng.
Là những người nông dân năng động, nhanh nhạy với cơ chế thị trường, giai đoạn 2002-2008, gia đình chị Hạnh, chủ Khách sạn Villa Kiên Hạnh ở tổ dân phố 2 cũng trồng su su an toàn, mỗi năm thu lãi 30-40 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình chị ngày càng đi lên, có điều kiện cải tạo, xây dựng công trình nhà ở khang trang, rộng rãi.
Bấy giờ, du khách đến thị trấn Tam Đảo nghỉ dưỡng cũng tấp nập hơn, nhưng số lượng nhà nghỉ, khách sạn ở Tổ dân phố 1 vẫn thưa thớt, không đáp ứng nhu cầu lưu trú của người dân. Vào các ngày cuối tuần, các khách sạn quá tải, nhân viên phải đưa khách xuống Tổ dân phố 2 tìm phòng lưu trú ở các hộ dân. Ban đầu, gia đình chị Hạnh không muốn nhận khách, bởi trong nhà có phòng thờ và chỉ có 3 phòng ở, nếu đưa vào kinh doanh sẽ rất bất tiện. Tuy nhiên, qua một vài lần cho khách thuê phòng, chị Hạnh nhận thấy, lợi nhuận từ nghề kinh doanh lưu trú cao, công việc lại nhàn hạ hơn trồng su su nên quyết định vay tiền đầu tư nhà nghỉ.
... Đến bước đi chập chững làm du lịch
Chị Nguyễn Thị Hạnh kể: “Năm 2008, vợ chồng tôi mạnh dạn vay 400 triệu đồng của ngân hàng để sửa chữa, nâng cấp căn nhà đang ở; làm thêm một số phòng để đưa vào kinh doanh. Nhờ lượng khách đều đặn, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, nên tôi có điều kiện tái đầu tư, từng bước mở rộng quy mô phòng. Đến nay, gia đình tôi có 15 phòng cho thuê với tổng diện tích xây dựng hơn 600 m2.
Đón bắt tâm lý du khách thích ở các phòng có view đẹp, nên tôi không tham xây nhiều; bố trí phòng nào cũng có view, từ phòng đơn (1 giường) đến phòng tập thể (5 phòng). Ngoài ra, villa cũng có các khu vực tiểu cảnh ngoài trời, bể bơi, sân thượng… cho du khách check-in”.
Mọi du khách đến với thị trấn Tam Đảo đều choáng ngợp với những góc check in ôm trọn cảnh quan,
thiên nhiên hùng vĩ (Ảnh do du khách chụp)
Ở tổ dân phố 2, hầu hết các gia đình đều sở hữu những mảnh đất rộng vài trăm m2, thậm chí cả nghìn m2 trở nên. Khi du lịch phát triển, nhiều doanh nghiệp vào đầu tư khiến giá đất tăng cao. Nhiều gia đình bán bớt một phần đất của gia đình, mạnh dạn vay vốn để xây dựng biệt thự, homestay, nhà hàng để kinh doanh. Người dân tích cực rủ nhau đi du lịch các nơi để tham quan, học hỏi cách làm du lịch hoặc tự học hỏi lẫn nhau, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm...
Ông Trần Quang Thà, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo cho biết thêm: “Bên cạnh những chuyến đi được các hội, đoàn thể tổ chức, nhiều người đi cá nhân nhằm trang bị cho mình những kiến thức làm du lịch. Về phía chính quyền địa phương, chúng tôi luôn khuyến khích người dân lựa chọn những điểm du lịch có địa hình, khí hậu giống thị trấn Tam Đảo để tham quan, học tập như Sa Pa, Đà Lạt…
Đường hoa từ dưới chân núi "hút hồn" du khách (Ảnh du khách chụp)
Chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, luôn có thái độ thân thiện, tranh thủ tình cảm của du khách để họ có tâm lý muốn quay lại địa phương nhiều hơn. Trong xây dựng, không làm các công trình “kín cổng cao tường” mà tận dụng tối đa không gian mở, trồng thật nhiều hoa, cây xanh phục vụ du khách đến tham quan…”.
Thiên nhiên xanh ở thị trấn Tam Đảo "đốn tim" tất cả các du khách đến chơi (Ảnh du khách chụp)
Nếu như tổ dân phố 1 tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn, thì thế mạnh ở tổ dân phố 2 là mô hình homestay. Vào những ngày cuối tuần hoặc nghỉ lễ, giá phòng ở thị trấn Tam Đảo giao động từ 800.000 - 1.200.000 đồng; còn homestay từ 4-6 triệu đồng và thường xuyên trong tình trạng “cháy” phòng/căn hộ bởi lượng du khách lên chơi đông.
Chị Nguyễn Thị Lan, tổ từ dân phố 2 cho biết: “Sau khi bán một phần đất của gia đình, nhà tôi có một số vốn nhất định để mở Nhà hàng Suối Mây và làm mô hình Homestay. Từ khi phát triển du lịch, đời sống của bà con ở tổ dân phố 2 không còn khó khăn như trước. Đến nay, nhiều gia đình đang sở hữu những tài sản rất có giá trị từ vài tỷ, vài chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng.
Đối với những gia đình không có lợi thế mặt tiền kinh doanh nhà hàng, khách sạn thì việc chăn nuôi, trồng trọt cũng rất thuận lợi. Sản phẩm sau khi thu hoach đều được đưa vào các bếp ăn của địa phương. Những gia đình có con em trưởng thành, đi thoát ly hoặc không có khả năng kinh doanh du lịch thì cho thuê lại mặt bằng mỗi năm cũng có khoản tiền lớn hàng trăm triệu đồng gửi ngân hàng.
Những năm gần đây, nhiều gia đình ở thị trấn Tam Đảo đã định hướng cho con em theo học các trường du lịch chuyên nghiệp, nấu ăn, pha chế đồ uống… nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nhu cầu ẩm thực, dịch vụ của du khách. Khoảng dăm năm nữa, thị trấn Tam Đảo sẽ có thế hệ thanh niên trẻ, tâm huyết tiếp nối nghề làm du lịch của gia đình, địa phương theo hướng bài bản, chuyên nghiệp hơn".
Với tiềm năng, thế mạnh kinh tế phát triển du lịch, bên cạnh những nông dân làm du lịch, thị trấn Tam Đảo còn thu hút nhiều cá nhân, tổ chức ngoài tỉnh vào đầu tư khách sạn, nhà hàng góp phần làm phong phú, đa dạng hơn các loại hình du lịch.
Để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, vui chơi giải trí, điện lưới… cũng được tỉnh, huyện quan tâm, đầu tư đồng bộ trong thời gian qua. Cơ cấu kinh tế ở thị trấn Tam Đảo đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành du lịch dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị-trật tự được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Nội dung: Hà Trần
Thiết kế: Khổng Oai