Kỳ 1: Buổi đầu sơ khai
Thị trấn Tam Đảo được hình thành từ thời Pháp thuộc. Giai đoạn từ năm 1945 đến trước năm 1966, Tam Đảo là một xã thuộc huyện Tam Dương. Nằm ở độ cao hơn 900 m so với mực nước biển; đường lên thị trấn quanh co, uốn lượn như dải lụa, càng lên cao không khí càng thoáng mát, khung cảnh mở ra huyền ảo, sương khói vờn trên đỉnh núi rồi sà xuống những đám cỏ, phủ mờ những ngôi nhà ven sườn núi.
Những năm đầu mới hình thành, du lịch ở nơi đây chưa phát triển, đời sống của người dân bản địa phụ thuộc vào trồng trọt, chăn nuôi, kiếm củi, săn bẫy thú rừng … Phương tiện bấy giờ đi lại vốn khó khăn, trong khi thị trấn hẻo lánh, nằm trên núi cao nên có phần cô lập.
Bà Nguyễn Thị Mạc, sinh năm 1947 ở tổ dân phố 2, thị trấn Tam Đảo kể: “Đến cuối những năm 80, cả thị trấn chỉ có vài khách sạn, nhà nghỉ của các doanh nghiệp nhà nước. Cuộc sống của người dân địa phương khi ấy phụ thuộc nghề trồng cây thuốc nam, chè, củ đao. Sau này, chuyển đổi sang trồng mận, đào, cam, quýt… nhưng tiêu thụ cũng rất khó khăn do địa hình núi cao hiểm trở, chủ yếu đi bộ hoặc xe đạp thô sơ”.
Những năm 80, 90, đời sống của nhiều người dân bản địa phụ thuộc vào trồng trọt, chăn nuôi... một phần để bán
và để tự cung tự cấp. Ảnh: Hà Trần
Chị Nguyễn Thị Hạnh, chủ Khách sạn Villa Kiên Hạnh ở tổ dân phố 2, thị trấn Tam Đảo kể lại: “Những năm ấy, mỗi khi bố tôi định xuống núi mua, bán thực phẩm, từ chiều hôm trước, ông phải vào rừng chặt sẵn 2 cành cây to để buộc vào yên xe đạp (nhằm vít, kéo xe lại). Đi được nửa đường, ông vứt bớt 1 cành cây xuống vệ đường. Đến km 13, ông lại chặt dây, vứt nốt cành còn lại, bấy giờ mới đạp xe xuống Vĩnh Yên. Nếu không có những cành cây to hỗ trợ, chẳng má phanh xe đạp nào chịu nổi vì cháy khét lẹt”.
Chị Hạnh kể tiếp: “Bấy giờ chưa có chợ Hợp Châu, mỗi lần xuống chợ Vĩnh Yên, bố tôi phải mất cả ngày đường để đi và về. Sau khi mua đủ gạo, mắm, muối, thức ăn… bố tôi lại tất tả đạp xe ngược núi trở về. Ở nhà, chúng tôi phải canh giờ đi đón bố. Khoảng 14-15h cùng ngày, tôi chuẩn bị vài cái bi đông nước và đi bộ dần xuống núi đón bố. Lúc lên núi, mọi người đều phải dắt bộ xe đạp do dốc cao.
Chúng tôi đi bộ xuống núi, gặp bố ở đoạn nào thì đón ở đoạn đấy. Thấy ông, chúng tôi chạy lại, bám tay vào yên xe đạp đẩy lên dốc. Lúc ấy, chả đứa nào thấy mệt, còn phấn khởi ra mặt vì thấy bố mua được lương thực, thực phẩm treo lủng lẳng ở ghi đông hoặc buộc phía sau xe.
Đứa nào cũng vui vì biết cả nhà tối nay có món ngon cải thiện. Hôm nào, bố tôi mua được con cá tươi ở dưới chợ Vĩnh Yên mang lên thì phải nhờ người bán hàng mổ sẵn, xát muối vào bụng cá hoặc nhét cám gạo vào cho đỡ ươn rồi về kho, rán...”.
Ông Trần Quang Thà, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo cho biết: Bấy giờ, người dân địa phương đói khổ lắm. Tôi còn phải sang tỉnh Thái Nguyên mót sắn, cõng bộ về nhà ăn. Trước mỗi bữa, nhiều gia đình phải quấy bột đao cho con em mình ăn kèm mới đủ no; có khi cả tháng, trẻ con không được ăn miếng thịt nào.
Ăn đã đói, mặc lại rét, khổ đủ đường. Vào mùa Đông, khí hậu ở thị trấn Tam Đảo vô cùng khắc nghiệt, trong khi cửa nẻo nhà nào cũng hở huếch, hở hoác. Tiết trời cả ngày âm u mù mịt; băng tuyết phủ khắp mái nhà; chậu nước nhỏ để ngoài sân một lúc đã đóng màng nên các hộ dân phải tích trữ nhiều củi đốt lửa sưởi ấm khiến nền nhà ai cũng nứt nẻ.
Để chống rét, trẻ con chúng tôi khi ấy lấy chiếc ống bơ đục lỗ, cho than, củi cùng nắm bùi nhùi vào, xỏ dây quay vù vù lấy lửa sưởi. Ngày đó, trẻ con trên này chả đứa nào có dép, toàn đi chân đất lạnh buốt; quần áo vá víu chằng chịt.
Những năm 90, xe ôm được coi là nghề “hot” của cánh đàn ông ở thị trấn Tam Đảo do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, phương tiện cơ giới cũng phát triển. Ở tổ dân phố 2 khi ấy có khoảng gần chục người chạy xe ôm chuyên nghiệp, họ đi trên những chiếc xe Min-khơ Nga cồng kềnh, hầm hố, chưa thấy xe đã nghe thấy tiếng. Do thường xuyên phải lên, xuống núi, các chủ phương tiện phải thiết kế can nhựa (từ 2-4 lít) đựng nước để trên đầu xe máy rồi bắt vòi nước cho chảy xuống động cơ để không bị nóng máy, cháy phanh trên đường.
Từng làm xe ôm kiếm sống vào đầu những năm 90, ông Nguyễn Văn Kiên ở tổ dân phố 2 vẫn nhớ như in kỷ niệm hai vợ chồng ông phải chạy vạy, vay mượn anh em, bạn bè 1 cây vàng để mua con Min-khơ Nga tại 46 phố Tây Sơn, thành phố Hà Nội.
Những thanh niên không làm nghề xe ôm thì vào rừng kiếm củi, khai thác phong lan rừng bán hoặc đi chăn bò. Thỉnh thoảng, họ vào rừng đặt bẫy, câu cá suối hoặc đi bắt cua… để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Còn phụ nữ ở nhà trồng su su, gánh bộ mang quả xuống chợ Vĩnh Yên, chợ Cói bán. Quãng đường xa hàng chục cây số, không có phương tiện đi lại, nên họ phải dậy từ 2-3h sáng để đi chợ nên rất vất vả.
Bấy giờ, nhờ việc chăn, thả gà của người dân, trẻ con ở thị trấn Tam Đảo thỉnh thoảng
mới có miếng thịt cải thiện. Ảnh: Hà Trần
Là con gái thành phố Vĩnh Yên, năm 1994, chị Nguyễn Thị Lan ở tổ dân phố 2 (trước ở phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên) theo chồng lên thị trấn Tam Đảo.
Chị Lan tâm sự: “Công việc hằng ngày của tôi sau khi về nhà chồng là đi hái chè, kiếm củi đong gạo, làm bột đao, thu hoạch quả su su cho mẹ chồng gánh xuống xuôi bán… Làm lụng vất vả, quần quật suốt ngày nhưng có lúc vẫn không đủ ăn. Đôi khi không chịu được khổ cực, tôi tủi thân nằm khóc, thậm chí trốn về nhà mẹ đẻ vài hôm, tranh thủ mang thực phẩm lên cải thiện…”.
Ký ức về thị trấn Tam Đảo từ thập niên 60 đến 90 của thế kỷ XX đối với những người dân địa phương không bao giờ quên. Cũng bởi, cuộc sống khi ấy quá đói khổ, vất vả. Nhưng ở vùng đất núi non hữu tình, môi trường thiên nhiên trong lành, tâm hồn những người dân bản địa luôn lạc quan, yêu đời và có ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên.
Có thể nói, thị trấn Tam Đảo giai đoạn mới hình thành cho đến cuối những năm 90 như “viên ngọc thô” chưa phát lộ nên cuộc sống của người dân bản địa theo hướng tự cung tự cấp, lạc hậu, thiếu thốn đủ bề. Từ những năm 2000-2005 và những năm sau này, khi địa phương được tỉnh, huyện đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng; các loại phương tiện cơ giới bắt đầu phát triển và có nhiều đoàn du lịch lên nghỉ dưỡng… Từ đây, người dân bản địa nhanh chóng nắm bắt thời cơ làm du lịch, kinh tế khi ấy mới bắt đầu khởi sắc.
Nội dung: Hà Trần
Thiết kế: Khổng Oai