Kỳ 2: Ghi danh trên bản đồ du lịch thế giới
Cũng vì lẽ đó mà người dân bản địa luôn có cách làm du lịch tự nhiên, phát triển từ “cây nhà lá vườn” chứ không mang yếu tố ngoại lai; sẵn tiềm năng trời cho gọt giũa thành những sản phẩm tinh túy nhất như mật ong phấn hoa, đông trùng hạ thảo, trà hoa vàng, rượu ba kích… đã trở thành thương hiệu “vàng”, sản phẩm OCOP… đem đến cho du khách, bạn bè gần xa hương vị của núi rừng Tam Đảo, hương vị của vùng đất mặn mòi mà trù phú…
Nhiều du khách nước ngoài đã đánh giá bình yên, dung dị từ chính tâm hồn, con người cũng như vùng đất Vĩnh Phúc là sức hút tự nhiên đối với mỗi bạn bè, du khách trong nước và quốc tế…
Từ một tỉnh mờ nhạt trên bản đồ du lịch quốc gia và không tên trên bản đồ du lịch thế giới, nay du lịch Vĩnh Phúc đã vươn mình trở thành điểm sáng qua những danh hiệu Flamigo Đại Lải Resort - Top 10 khu nghỉ dưỡng đẹp nhất hành tinh, giải thưởng du lịch ASEAN; Khu du lịch quốc gia Tam Đảo hay điểm đến ấn tượng hàng đầu thế giới.
Thị trấn Tam Đảo - điểm đến ấn tượng hàng đầu thế giới
Từ những năm 2011, Vĩnh Phúc chỉ mới đón 1,7 triệu lượt khách du lịch, thì đến năm 2019 đón gần 5 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch đạt gần 2.000 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với trước. Trong 2 năm (2020-2022), mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng với cơ chế mở cửa hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19’, hoạt động du lịch tiếp tục phát triển, khách du lịch vẫn chọn Vĩnh Phúc là điểm đến an toàn; các chỉ tiêu về tăng trưởng du lịch đều hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra.
Năm 2022, khách du lịch tới Vĩnh Phúc đạt 8,2 triệu lượt, tăng gấp 4 lần so với năm 2021, trong đó phải kể đến lượng khách quốc tế đạt 73.500 lượt, tổng doanh thu du lịch đạt gần 3.600 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2021.
Thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc đã được khẳng định, nhưng làm thế nào để thương hiệu luôn tỏa sáng? Đó là câu hỏi mà Vĩnh Phúc đang đề ra một loạt các chương trình, mục tiêu cụ thể có lộ trình, trọng tâm, trọng điểm. Trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh giai đoạn 2021-2025, Vĩnh Phúc đặt rõ mục tiêu phát triển mạnh ngành Du lịch với vai trò du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nhanh tỷ trọng GDP du lịch và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của toàn tỉnh, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách địa phương, tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Quan điểm phát triển kinh tế nhanh, nhưng bền vững từ ý chí tự lực, tự cường, Vĩnh Phúc phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, đến năm 2030 thu hút hơn 10 triệu lượt khách/năm, quảng bá du lịch được gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế; tổ chức các tour, tuyến giới thiệu sản phẩm du lịch tới bạn bè, du khách thế giới.
Tiếp tục khai thác thế mạnh và tiềm năng các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, du lịch cộng đồng (homestay), du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (du lịch MICE), du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch nông thôn…
Đưa thêm nhiều tour, tuyến du lịch mới đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách. Nâng cao chất lượng các dịch vụ, sản phẩm du lịch và hạ tầng du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, tạo sự khác biệt trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.
Làm tốt công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển du lịch; ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ các khu, điểm du lịch trọng điểm. Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư du lịch, chú trọng quảng bá hình ảnh về du lịch Vĩnh Phúc.
Du lịch thể thao Golf trở thành một trong nhưng thế mạnh của Vĩnh Phúc.
Trong chiến lược phát triển du lịch Vĩnh Phúc tầm nhìn đến năm 2030, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với vui chơi giải trí cùng với du lịch văn hóa, tâm linh và du lịch dịch vụ phục vụ hội thảo kết hợp tham quan, học tập kinh nghiệm được xác định là ba trụ cột chính tạo động lực cho sự phát triển bền vững du lịch của tỉnh.
Chủ trương của Vĩnh Phúc hiện nay là đẩy mạnh, thu hút các nhà đầu chiến lược xây dựng mới các khu, điểm du lịch trọng điểm như Tam Đảo, Tây Thiên, Ngọc Thanh, Đầm Vạc, Sáu Vó, các khu vực lợi thế khác…; hỗ trợ các hoạt động du lịch, các tuyến du lịch kết nối với các khu du lịch trên toàn quốc và khu vực…
Du lịch không chỉ bó gọn với khách nội địa mà còn mở tầm kết nối với nước ngoài, xây dựng thương hiệu, thu hút khách du lịch với những chiến lược quảng bá, giao lưu truyền thông qua các lĩnh vực hàng không, lưu trú…
Vĩnh Phúc đang đi tới chặng đường đầy hứa hẹn, mở ra cơ hội để đưa tỉnh trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế.
Thị trấn Tam Đảo ngày càng được đầu tư hiện đại, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên
Nội dung: Thu Thủy
Thiết kế: Khổng Oai