Dòng sông Lô chảy qua xã Đức Bác ngày ấy tấp nập thuyền xuôi đánh bắt cá… đã thu hút chàng trai trẻ tuổi Lưu Văn Hoàn (sinh năm 1982) yêu thích chèo thuyền. Sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, huyện Sông Lô, ngay từ nhỏ, cậu bé Hoàn đã tập luyện làm quen với con thuyền, mái chèo. Đặc biệt là thuyền dạng canô, chỉ có một tay chèo, ban đầu không quen thuyền thường bị xoay vòng tròn và ngã nhào liên tục, nhưng với niềm đam mê, quyết tâm chinh phục bằng được “thuyền 1 tay chèo” này, Hoàn đã bước vào nghề với sự tự tin.
”Những năm đầu môn đua thuyền du nhập vào Việt Nam cũng là năm cậu bé Hoàn bước vào nghề. Dù gặp nhiều khó khăn vì môn thể thao này đòi hỏi sự kiên trì, trí lực, sức khỏe, kỹ năng, kỹ thuật; so với các bạn cùng trang lứa và các anh chị đi trước, họ to cao hơn, trong khi thân hình của Hoàn vừa thấp, lại nhỏ bé.
23 tuổi - vẫn hăng say tập luyện trên chiếc thuyền 1 tay chèo không khi nào làm Lưu Văn Hoàn nản lòng
May mắn đã mỉm cười với sự bền trí của cậu bé Hoàn, cơ hội đã đến khi một số kỳ thi nhỏ cậu lập được thành tích. Từ đó, các HLV đã phát hiện năng lực và cho Hoàn đi tập huấn ở các nước châu Á, châu Âu như Trung Quốc, Hungary, Ba Lan…
Được trải nghiệm, va chạm thực tế và thử thách cùng với các VĐV nước ngoài, qua các đợt tập huấn, Hoàn tiếp tục có cơ hội tham gia nhiều cuộc thi, sự kiện thể thao lớn và đạt được nhiều thành tích sáng giá như HCV Đông Nam Á; 2 HCĐ tại SEA Games 2003; 2 HCV tại SEA Games 2007; HCB thi đấu ở các Giải vô địch châu Á năm 2009…
Lưu Văn Hoàn (đứng giữa) vinh dự giành Giải vô địch đua thuyền quốc gia những năm đầu mới bước vào nghề
(Ảnh chụp năm 2005)
Lưu Văn Hoàn xuất sắc giành 2 HCV tại SEA Games 24 năm 2007
Vừa học Trường đại học Thể dục-Thể thao Bắc Ninh, vừa tham gia thi đấu các giải thể thao trong và ngoài nước, nên 6 năm sinh viên Lưu Văn Hoàn mới đủ điều kiện tốt nghiệp ra trường.
Tốt nghiệp ra trường, với 5 năm thi đấu và cống hiến tại thành phố Đà Nẵng, chính quyền địa phương đã đón ngay HLV Lưu Văn Hoàn và hậu đãi với chế độ cấp nhà chung cư cùng nhiều điều kiện thuận lợi khác.
Nhưng sau 2 năm, vì tình yêu cháy bỏng với quê nhà Vĩnh Phúc, năm 2012, anh đã trở về để cống hiến, phát triển thể thao môn đua thuyền. Từ năm 2015-2018, anh tiếp tục nghiên cứu Đề tài phát triển sức mạnh cho VĐV nữ của Vĩnh Phúc tại Trường đại học Thể dục-Thể thao Bắc Ninh.
Những lứa đầu học trò của HLV Lưu Văn Hoàn - VĐV Trương Thị Phương đã lập nhiều thành tích đỉnh cao cho bộ môn đua thuyền. Ban đầu, ở Vĩnh Phúc, môn đua thuyền còn khá mới mẻ. Lúc bấy giờ, đầy rẫy những khó khăn về cơ sở vật chất, thuyền và chèo chưa đảm bảo, số lượng ít, lại bị hư hỏng liên tục. Khi trở về làm HLV, anh Hoàn đã gặp nhiều trắc trở khi phải đối mặt với khó khăn về kinh phí, trang thiết bị luyện tập để huấn luyện học trò.
Những tấm huy chương rực rỡ tại SEA Games 31 của Việt Nam, trong đó có các VĐV của HLV Lưu Văn Hoàn
Anh Hoàn tâm sự: Thời điểm mới thành lập, hầu như không có gì, 1 năm sau, thầy và trò mới được tỉnh quan tâm trang bị cho 3 thuyền, 3 chèo, được vài năm thì hỏng, đến năm 2017, khi mua được 3 chiếc thuyền thì phải tập luyện xoay vòng, cứ 3 người xuống luyện theo 1 vòng. Bình thường, nếu thuyền đáp ứng tiêu chuẩn thì chỉ tập khoảng 2 tiếng đồng hồ là đạt, nhưng do thiếu nên các em phải tập từ 5 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Từ đó đến nay, đội cũng được mua sắm thêm nhưng cũng chỉ mới có 9 thuyền và 5 tay chèo, không đáp ứng tiêu chuẩn cho bộ môn thể thao này. Mỗi khi chuẩn bị cho kỳ thi, thầy và trò lại phải mượn thuyền, thuê thêm chèo để tập, đến tỉnh nào linh hoạt mượn tỉnh đó…
HLV Lưu Văn Hoàn và học trò luôn luyện tập say mê, giành thành tích cao nhất trong các kỳ thi đấu
Thêm nữa, để tuyển chọn nhân lực tham gia bộ môn này cũng khó khăn, theo HLV Lưu Văn Hoàn, phải tìm được các em có năng khiếu, thể lực dẻo dai và sự kiên trì. Anh đã tới tận các vùng quê, xóm làng, trường học tuyển từng học sinh. Anh cũng chia sẻ thêm, môn đua thuyền rất khó, nhưng lại hấp dẫn bởi khi đã có kỹ năng để có thể lái được thuyền theo đường thẳng thì sẽ tạo được hứng thú để quyết tâm chinh phục sóng nước. Không giống như đua thuyền Kayak, Canô chỉ dùng 1 mái chèo và không có bánh lái nên cần kỹ năng, sự dẻo dai để vượt qua sóng.
Khó khăn như thế, nhưng ngọn lửa đam mê từ chính người thầy Lưu Văn Hoàn đã truyền cảm hứng bùng cháy trong từng học trò. Mỗi lần đạt giải ở các kỳ thi, thầy và trò lại cóp tiền để mua thêm tay chèo phục vụ tập luyện. Cho đến giờ, anh Hoàn và học trò của mình chỉ mong muốn có đủ bộ thuyền và tay chèo mới đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để yên tâm tập luyện. Đây cũng là mong ước chính đáng để ngọn lửa đam mê không bị vụt tắt, để môn thể thao đua thuyền được duy trì và phát triển xứng tầm.
“Trời không phụ lòng người” - với những quyết tâm vượt qua và biến đam mê thành hiện thực, thành những tấm huy chương danh giá, HLV Lưu Văn Hoàn và trò của mình đã giành được những thành tích cao qua các kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2014, 2018, các giải thể thao quốc tế…
Những phút giây đăng quang và hạnh phúc rực rỡ của HLV Lưu Văn Hoàn cùng các VĐV xuất sắc tại SEA Games 31
Thời điểm anh mới trở về tỉnh, sau 2 năm bản thân anh và đội đã giành được HCV thể thao Đông Nam Á, đứng thứ 2 Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc; nhiều năm liền, Vĩnh Phúc đã đứng Nhất, Nhì, Ba toàn đoàn. Năm 2018, lần đầu tiên Vĩnh Phúc có bộ môn đua thuyền đứng đầu toàn quốc và đặc biệt tại SEA Games 31 vừa qua, Việt Nam có nhiều VĐV đoạt huy chương nhiều nhất từ trước đến nay. Lần đầu tiên trong lịch sử, môn đua thuyền quốc gia, các VĐV của Vĩnh Phúc đã vinh dự được tặng thưởng các danh hiệu cao quý của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.
Các học trò của HLV Lưu Văn Hoàn đã đem về vinh quang cho Tổ quốc tại SEA Games 31
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng VĐV Nguyễn Thị Hương
(học trò của HLV Lưu Văn Hoàn) đã có thành tích xuất sắc tại SEA Games 31.
Để có được những thành công đó, các VĐV dưới sự dìu dắt của HLV Lưu Văn Hoàn đã nỗ lực luyện tập trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Bản thân từng trải nghiệm, giành nhiều thành tích qua các kỳ thi đấu, HLV Lưu Văn Hoàn không ngừng học hỏi và tìm cách duy trì, phát triển, áp dụng phương pháp khoa học vào thực tiễn, cho đến giờ, chưa có đơn vị nào trong cả nước vượt qua được Vĩnh Phúc về bộ môn thể thao này.
Giám đốc Trung tâm Đào tạo vận động viên tỉnh Mầu Thanh Bình cho biết: “HLV Lưu Văn Hoàn luôn học hỏi, trao truyền những phương pháp mới, hiện đại từ các chuyên gia trong và ngoài nước cho các VĐV của mình kịp nắm bắt; đồng thời, anh cũng tự trau dồi kiến thức để đáp ứng xu hướng phát triển của bộ môn đua thuyền”.
Môn đua thuyền - thành công phải là yếu tố kỹ năng của con người, nhiều VĐV của thầy Lưu Văn Hoàn đã giữ được sự bền bỉ, không quản vất vả, luyện tập thi đấu để đạt được nhiều thành tích, trở thành những nhân tố điển hình của đội tuyển thể thao quốc gia, đóng góp lớn cho nền thể thao nước nhà.
Con người Vĩnh Phúc cần cù, chịu khó và kiên trì - là lợi thể để phát huy sở trường của môn đua thuyền - HLV Lưu Văn Hoàn cũng thành công từ đức tính vốn quý đó. Và đây cũng là quan điểm của người đứng đầu, chắp cánh cho môn thể thao sông nước tiếp tục phát triển và thành công nhiều hơn nữa.
Nội dung, Ảnh: Thu Thủy
Thiết kế: Khổng Oai