Kỳ 1: Giải tỏa các “điểm nghẽn”
Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay, mặc dù nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, song, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, được coi là “điểm nghẽn” chưa tìm ra giải pháp xử lý hiệu quả. Đến năm 2021, khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 02 về lãnh đạo thực hiện các biện pháp đẩy nhanh công tác GPMB thực hiện các dự án phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, các “điểm nghẽn” này mới được tháo gỡ hiệu quả.
Quyết sách kịp thời
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, với mục tiêu xây dựng và phát triển Vĩnh Phúc ngày càng giàu có và phồn vinh, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm, chú trọng, dành nhiều nguồn lực đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư.
Nhờ sự "đồng hành" của Nghị quyết 02, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng KCN Sông Lô 2 đạt kết quả đáng ghi nhận.
Trong hành trình ấy, Vĩnh Phúc phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Khó khăn, thử thách nhất chính là công tác bồi thường, GPMB. Nhiều dự án rơi vào tình trạng trì trệ, chậm tiến độ do không nhận được sự ủng hộ của người dân. Vô hình chung đã làm cản trở đến việc thi công và kết quả thu hút đầu tư, phát triển KT-XH.
Tháo gỡ khó khăn này, đồng thời, quyết tâm phấn đấu trong 5 năm (2021 - 2026) sẽ hoàn thành cơ bản công tác bồi thường, GPMB các dự án trên địa bàn tỉnh, bình quân mỗi năm đạt ít nhất 20%, đảm bảo mặt bằng sạch để thực hiện các dự án trọng điểm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đồng bộ, phù hợp từng giai đoạn nhằm mang lại chuyển biến tích cực cho sự phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Trong đó, Nghị quyết 02 ngày 26/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện các biện pháp đẩy nhanh công tác GPMB thực hiện các dự án phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh được xem là một “điểm sáng”.
Bởi lẽ, dựa trên nền tảng Nghị quyết 02, ngay sau đó, HĐND và UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến công tác GPMB, kịp thời tham mưu cho tỉnh giải pháp hiệu quả, tạo cơ chế đồng bộ trong tổ chức thực hiện.
Điển hình là Nghị quyết số 01/2021 của HĐND tỉnh và Quyết định số 13/2021 của UBND tỉnh về một số biện pháp đặc thù đảm bảo công tác GPMB. Trong đó, quy định mức thưởng cho hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp bị thu hồi với mức hỗ trợ tối đa 43,2 triệu đồng/sào.
Quyết định 61/2021 về ban hành quy định chi tiết một số điều về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh (thay thế các quyết định cũ), trong đó, tăng mức hỗ trợ từ 2,5 lần lên 3,5 lần và tăng các khoản hỗ trợ khác, tạo điều kiện để người dân có đất bị thu hồi được tăng đơn giá bồi thường, hỗ trợ về đất nông nghiệp lên khoảng 150 triệu đồng/sào.
Nhân dân đồng thuận
Những quyết định này ngay sau khi ban hành đã tạo ra một “làn gió mới” trong công tác bồi thường, GPMB, người dân thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao. Nhiều dự án được đẩy nhanh tiến độ, tiến hành nhanh gọn, đúng trình tự, quy định của pháp luật, hạn chế tối đa việc phải cưỡng chế GPMB, tiết kiệm ngân sách nhà nước. Trong đó, khu công nghiệp (KCN) Sông Lô 1 và KCN Sông Lô 2 là những dự án tiêu biểu, thể hiện rõ nét ý nghĩa, vai trò quan trọng của Nghị quyết 02.
Diện mạo trung tâm thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô đang ngày càng phát triển, đổi thay mạnh mẽ.
Nhớ lại giai đoạn khi mới bắt tay vào khởi công 2 dự án, Phó trưởng Ban Quản lý dự án huyện Sông Lô Nguyễn Thế Phương cho biết: Dự án KCN Sông Lô 1 có quy mô sử dụng đất là 177,36 ha, thuộc địa bàn 3 xã Tứ Yên, Đồng Thịnh và Đức Bác. Năm 2023, được thu hồi và chuyển mục đích trên 54 ha. Dự án KCN Sông Lô 2 có tổng diện tích 165,655ha.
Với quy mô, diện tích lớn và đặc biệt đi qua phần diện tích đang là nơi an táng của hàng trăm ngôi mộ, các cơ quan chức năng đều đánh giá, cả hai dự án sẽ gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB.
Với tâm thế sẵn sàng, tinh thần, trách nhiệm cao nhất, đơn vị phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng triển khai tuyên truyền đến toàn bộ các hộ dân liên quan. Trọng tâm là tuyên truyền về ý nghĩa của các dự án sau khi được hoàn thành, đi vào sử dụng sẽ tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.
Mặc dù giá trị mang lại là điều hoàn toàn không thể phủ nhận, nhưng không ít hộ dân vẫn có tư tưởng không muốn bàn giao, băn khoăn về diện tích đất của gia đình bị thu hồi khá lớn, thời gian trước mắt sẽ ảnh hưởng đến công việc, thu nhập, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Nắm bắt tâm lý này, cán bộ các cơ quan chuyên môn đã nhấn mạnh đến nội dung các nghị quyết, quyết định của BTV Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh về tăng mức hỗ trợ, thưởng GPMB cho người dân có đất bị thu hồi.
Những cơ chế được xem như “ liều thuốc” hữu hiệu cùng với khả năng phân tích, vận động của cán bộ các tổ chức, đoàn thể làm công tác tuyên truyền, người dân đã nhanh chóng nhận tiền đền bù, bàn giao đất cho chủ đầu tư.
Đến nay, KCN Sông Lô 1 đã kiểm đếm, kê khai, quy chủ xong 103,88ha/177,72ha; vận động di dời hơn 100 ngôi mộ ra khỏi phạm vi GPMB. KCN Sông Lô 2 đã GPMB xong 160,32/165,65ha, đạt gần 97%.
Về cơ bản, ở cả hai dự án, các hộ dân đều đã nhận tiền bồi thường, chỉ chờ khi khu nghĩa trang xã Đồng Thịnh, Yên Thạch được phê duyệt, hoàn thiện sẽ di chuyển mộ sang. Đây là một trong những kết quả, thành công ngoài dự kiến, mà ở đó, Nghị quyết 02 đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là yếu tố then chốt để mang lại thành công, đột phá trong công tác bồi thường, GPMB.
Bên cạnh hai dự án lớn ở huyện Sông Lô, với sự đồng hành của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, cho đến nay, chỉ sau 2 năm triển khai Nghị quyết 02, toàn tỉnh đã thực hiện xong 450/468 dự án với diện tích đã GPMB là 3.459,9ha/5.138,1 ha, đạt 67,34%.
Kết quả này so với kế hoạch hằng năm đều đạt trên 90%. So sánh với kết quả trong năm 2020 đã tăng gần 30% kế hoạch năm. Đây sẽ là một trong những nền tảng quan trọng để Vĩnh Phúc tiếp tục bứt phá trong lĩnh vực thu hút đầu tư, xứng tầm với thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050.
Bài, ảnh: Lê Minh