Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về chuyển đổi số, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn; ứng dụng các nền tảng công nghệ phục vụ truy suất nguồn gốc nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP. Qua đó, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Mô hình trồng nho không hạt ứng dụng công nghệ cao của gia đình anhLưu Văn Hải, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) trừ chi phí lãi hơn 500 triệuđồng/năm. Ảnh: Thế Hùng
Toàn tỉnh hiện có hơn 52 nghìn ha diện tích gieo trồng. Để đạt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất trồng trọt bình quân đạt trên 0,85%/năm trong bối cảnh biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng phức tạp, việc chuyển đổi số được xác định là chìa khóa để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và tiết kiệm chi phí sản xuất.
Bám sát văn bản, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh và ngành Nông nghiệp, Chi cục TT&BVTV tỉnh đã quán triệt, tuyên truyền chuyển đổi số đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thông qua hội nghị giao ban, sinh hoạt chi bộ.
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng chuyển đổi số cho các địa phương có cây trồng thế mạnh như cây thanh long ở các xã Nhạo Sơn (Sông Lô), Xuân Hòa (Lập Thạch); cây ổi xã Đôn Nhân (Sông Lô); cây su su xã Hồ Sơn, cây na xã Bồ Lý (Tam Đảo); cây dưa chuột (xã An Hòa, Tam Dương); cây bí đỏ ở xã Vũ Di và cây bưởi (xã Phú Đa, Vĩnh Tường).
Giới thiệu các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử giúp người dân nắm bắt, thúc đẩy sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trên môi trường số; xây dựng mô hình áp dụng công nghệ số trong sản xuất thanh long phục vụ thăm quan, trao đổi kinh nghiệm cho người dân và doanh nghiệp.
Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trên Báo Vĩnh Phúc, Đài PT - TH tỉnh.
Từ ngày 1/8 đến 11/8/2023, Chi cục đã tổ chức 13 lớp tập huấn phổ biến kiến thức về chuyển đổi số, thông tin tuyên truyền đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử cho 1.300 hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Để cung cấp, truyền tải các thông tin về lĩnh vực trồng trọt, chi cục đã đăng tải, cập nhật thường xuyên các nội dung về chuyển đổi số trên web của sở https://sonnptnt.vinhphuc.gov.vn/.
Hướng dẫn người dân ứng dụng các nền tảng công nghệ phục vụ truy suất nguồn gốc đối với các nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh; ứng dụng công nghệ số đưa sản phẩm của các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Xây dựng phần mềm quản lý mã số vùng trồng, hệ thống blockchain truy xuất nguồn gốc một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.
Hết năm 2022, toàn tỉnh có hơn 16.000 hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng TMĐT; trên 1.400 sản phẩm nông nghiệp của 82 doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ sản xuất được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn; trên 140 gian hàng được đăng ký trên các sàn TMĐT; xây dựng được 16 vùng trồng với 26 mã số vùng trồng xuất khẩu.
Anh Dương Văn Hiệp, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) cho biết: "Trước yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng và thông qua các lớp tập huấn, hội thảo của ngành nông nghiệp về chuyển đổi số, tôi đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích trồng 0,5 ha cây nho.
Vì vậy, toàn bộ vườn nho của gia đình đều được cấp nước chủ động thông qua hệ thống điều khiển tự động, qua đó tiết kiệm tối đa chi phí nhân công trong sản xuất. Đến năm 2022, với quy mô trồng 1.000 gốc nho hạ đen và 1.000 gốc nho sữa, gia đình thu về lợi nhuận gần 800 triệu đồng".
Để đạt mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 30% dữ liệu của lĩnh vực trồng trọt được cập nhật trực tuyến, đồng bộ giữa các cấp, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh, của Bộ NN& PTNT; 15% số HTX nông nghiệp đang hoạt động có ứng dụng công nghệ số; 10% sản phẩm chủ lực được cấp mã vùng.
Thời gian tới, Chi cục TT&BVTV tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn và đào tạo kỹ năng số cho DN, HTX và hộ sản xuất nông nghiệp.
Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, quản lý giám sát chất lượng; triển khai hệ thống quản lý mã vùng trồng cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.
Triển khai các phần mềm cấp, quản lý mã số vùng trồng, chứng nhận VietGAP; rà soát, hoàn chỉnh và chuyển đổi số các quy trình kỹ thuật trong sản xuất các sản phẩm trồng trọt chủ lực phù hợp với điều kiện canh tác trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng sổ tay điện tử hỗ trợ quy trình kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật cho người dân; chú trọng đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử.
Mai Liên