Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật; điều tra, khảo sát, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trên một số lĩnh vực, thực trạng về công tác hỗ trợ pháp lý; chủ động cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật; tăng cường đối thoại để tiếp nhận và giải đáp những thắc mắc cho doanh nghiệp… là những giải pháp thiết thực mà các cấp, ngành, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai nhằm đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Qua đó, tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (SXKD) hiệu quả, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính. Ảnh: Dương Hà
Hiện nay, pháp luật liên quan đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp có nhiều thay đổi và thường xuyên được điều chỉnh, nhất là các thủ tục về đất đai, môi trường, phòng cháy, chữa cháy, thuế, bảo hiểm xã hội...
Do đó, việc hiểu biết, nắm vững, cập nhật kịp thời các quy định, kiến thức về pháp lý là một yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Bên cạnh các doanh nghiệp lớn, có đầu tư bài bản cho đội ngũ nhân viên phụ trách pháp lý, thì phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác này.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động SXKD, chủ động phòng chống rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025.
Hằng năm, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó, xác định cụ thể nội dung, hình thức, thời gian tổ chức thực hiện, cơ quan chủ trì, phối hợp… nhằm đảm bảo tính chủ động, thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo triển khai công tác hỗ trợ pháp lý đến các doanh nghiệp bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của mỗi loại hình doanh nghiệp.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, nổi bật là việc cập nhật, đăng tải thường xuyên các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và của tỉnh trên Cổng Thông tin giao tiếp điện tử tỉnh; xây dựng chuyên mục hỏi đáp pháp luật trên Trang thông tin của các sở, ngành, địa phương.
Từ năm 2019 đến nay, Sở Tư pháp đã in và cấp phát 6 đầu sách với số lượng gần 20.000 cuốn về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; biên soạn và phát hành cuốn cẩm nang văn bản về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó, hệ thống đầy đủ các văn bản pháp luật hiện hành của Trung ương, của tỉnh.
Xây dựng gần 120 chuyên mục giới thiệu về văn bản quy pháp luật mới ban hành và giải đáp các nội dung liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Tổ chức gần 550 hội nghị, lớp tập huấn, tọa đàm để phổ biến các văn bản pháp luật mới cho cán bộ tư pháp cấp huyện, xã, cán bộ pháp chế ở các sở, ban, ngành và cán bộ làm công tác pháp chế ở các DN trên địa bàn tỉnh; 8 lớp tập huấn pháp luật cho người lao động…
Việc tiếp nhận, trả lời ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp nhỏ và vừa được các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Tổ giúp việc Chủ tịch UBND tỉnh về giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp triển khai kịp thời.
Trong 4 năm (2019 - 2023), tỉnh đã tiếp nhận, tư vấn cho gần 15.000 lượt tổ chức, cá nhân liên quan đến các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo hiểm xã hội, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy… Hình thức giải đáp chủ yếu bằng văn bản, qua điện thoại, tin nhắn, email, đường dây nóng và cổng thông tin đối thoại “Doanh nghiệp - chính quyền”.
Những kết quả đạt được trong công tác hỗ trợ pháp lý đã giúp nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chỉ số năng lực canh tranh của tỉnh. Năm 2022, PCI của tỉnh xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố; chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xếp thứ 4/63 và chỉ số thiết chế pháp lý xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố.
Để nâng cao chất lượng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiến hành rà soát, đồng bộ hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, tạo cơ sở pháp lý thống nhất để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Tăng cường công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu quy định của pháp luật, các điều ước quốc tế; khi cần có thể tham vấn ý kiến của các chuyên gia, luật sư, người am hiểu pháp luật nhằm hạn chế rủi ro pháp lý.
Thanh Huyền