Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo tọa lạc trên diện tích 12 ha tại thung lũng Chắt Dậu, thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Tam Đảo. Trung tâm chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4-2008, với tổng số tiền đầu tư trên 3,3 triệu USD. Khu cứu hộ được xây dựng bao gồm 3 nhà cách ly, cứu hộ, nuôi nhốt gấu, khu chế biến thức ăn cho gấu, hệ thống xử lý nước thải hiện đại… Đây là Trung tâm cách ly - cứu hộ gấu đầu tiên của Việt Nam và có các trang thiết bị vào loại hiện đại nhất châu Á. Bên cạnh mục đích chính là giải thoát những con gấu không may mắn, đưa chúng trở lại thiên nhiên, nhằm bảo tồn loài gấu đã được liệt vào sách đỏ trước nguy cơ bị săn bắt, nuôi nhốt và tận diệt, chấm dứt hoạt động nuôi gấu trang trại. Ưu tiên hàng đầu của những thành viên trong Trung tâm là làm sao khôi phục lại sức khỏe và tâm lý cho từng cá thể gấu được cứu hộ. Tính đến thời điểm này, Trung tâm đã tiếp nhận và chăm sóc 98 con gấu hoang dã. Số gấu này đã được các cơ quan chức năng tịch thu từ các vụ buôn bán, săn bắn trái phép ở các tỉnh Quảng Trị, Nghệ An, Điện Biên, Bình Dương, Lâm Đồng... Phần lớn gấu được cứu hộ về Trung tâm thuộc loài gấu ngựa - loài gấu đen có khoang cổ hình bán nguyệt màu vàng chanh. Gấu ngựa có thể nặng tới 200kg, tuổi thọ trung bình khoảng 25 năm. Ngoài ra, tại Trung tâm cũng có một số cá thể gấu chó, nhỏ hơn gấu ngựa, có khoang cổ hình tròn được nhiều người ví von là biểu tượng của mặt trời lên. Gấu chó cân nặng trung bình khoảng 70kg, đặc biệt có móng vuốt rất dài và sắc. Cũng giống như gấu ngựa, gấu chó thích ăn mật ong và các loại hoa quả chín. Ngoài tự nhiên, gấu ngựa và gấu chó là loài leo trèo rất giỏi, thích bơi lội, có khứu giác rất tốt và thường dành nhiều thời gian sống trên cây. Để cứu chữa và phục hồi cho từng con gấu, đội ngũ các bác sĩ và điều dưỡng viên chủ yếu là các chuyên gia thú y nước ngoài phải làm việc miệt mài, chăm bẵm cho chúng từng ngày. Sau khi gấu được cứu hộ về Trung tâm sẽ được thường xuyên theo dõi sức khỏe và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý đối với từng cá thể. Điều thú vị ở chỗ, khi về đây, mỗi chú gấu đều được đặt tên, ghi rõ hồ sơ theo dõi lai lịch, sức khỏe. Đặc biệt, gấu không chỉ được chăm sóc về thể chất mà các yếu tố khác về chất lượng cuộc sống, tính cách, hành vi cũng được chú trọng; kích thích sự phát triển các giác quan cũng như các kỹ năng sinh tồn. Khi vào tham quan, đầu tiên du khách sẽ được ghé thăm khu cách ly, phục hồi. Khu vực này được vận hành rất khoa học, khách tham quan vào khu cách ly phải qua tắm khử trùng, không được phép vào các buồng gấu vì sự an toàn của người, đồng thời nhằm đảm bảo gấu cũng như các loài động vật khác khỏi nhiễm mầm bệnh… Khu nhà này hiện có hơn 20 con gấu đang trong thời kỳ “dưỡng bệnh”. Hai dãy nhà dài, được chia nhiều ô rộng rãi. Bên trong, mỗi chuồng gấu đẹp và đầy đủ tiện nghi, chẳng khác nào một “khách sạn” cho động vật. Bên dưới, chuồng trại được lau chùi, quét dọn sạch thường xuyên. Đây là tiêu chuẩn chung của các Trung tâm chăm sóc và phục hồi sức khỏe gấu trên thế giới. Tiếp đến du khách sẽ được tham quan khu bán hoang dã. Đây là khu đẹp nhất Trung tâm cứu hộ gấu với với 2 dãy có 24 chuồng nuôi đặt ở giữa, hai bên là khuôn viên bán tự nhiên rộng 5.000m² với thảm cỏ, hồ, núi, hang. Khu vực này dành riêng cho những chú gấu đã được chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, có không gian để vận động và tập lại những thói quen. Để đề phòng gấu có thể leo rào ra ngoài, bao quanh khu gấu đôi có hai lớp rào, bên ngoài bằng lưới thép cao hơn 2 mét, bên trong bằng dây điện trần. Sau 45 ngày phục hồi, các chú gấu được chuyển sang khu nuôi dưỡng bán hoang dã để tập thói quen sống bầy đàn. Vì vậy, những chú gấu tại đây thường béo tốt và có những tập tính gần như tự nhiên. Để gấu có thể phục hồi sức khỏe và phát triển tốt, việc chuẩn bị và cho gấu ăn là rất quan trọng. Thực đơn của gấu bao gồm rất nhiều loại rau, củ quả và không thể thiếu những món ăn khoái khẩu của gấu như nước mật ong ướp đá, yến mạch chứa trong hồ lô, sữa chua trộn lẫn quả khô, kem phết, dầu mẻ xịt,… Thức ăn được cho vào trong ống tre, hộp nhựa, gáo dừa, được treo cao trong chuồng để gấu trèo lên nhâm nhi, liếm láp, vừa tốt cho sức khỏe gấu, vừa giúp chúng lấy lại bản năng. Theo tổ chức động vật châu Á, hiện Việt Nam chỉ còn chưa đầy 100 con gấu đang sống ngoài tự nhiên, khoảng 4.400 con đang được nuôi nhốt trong các trang trại, chủ yếu để hút mật kinh doanh. Việc săn bắn, buôn bán, xuất khẩu động vật hoang dã trên địa địa bàn cả nước diễn ra hết sức phức tạp, bất chấp các quy định của Nhà nước về quản lý rừng. Đặc biệt, tình trạng khai thác mật và các bộ phận của gấu đã diễn ra phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà xảy ra tại nhiều quốc gia trên thế giới, đe doạ nghiêm trọng đến loài gấu. Để tạo điều kiện thuận lợi việc tiếp nhận những cá thể gấu bị luật pháp tịch thu hoặc từ những người nuôi gấu tình nguyện giao nộp lại gấu cho nhà nước, Tổ chức Động vật Châu Á đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện là Cục Kiểm lâm và Vườn Quốc gia Tam Đảo thực hiện dự án xây dựng “Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam” tại Vườn Quốc gia Tam Đảo đang tiếp tục triển khai xây dựng giai đoạn 2. Dự kiến đến cuối năm 2013, khi giai đoạn 2 hoàn thành, toàn bộ Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo với 10 khu nuôi gấu bán tự nhiên và 2 khu chăm sóc gấu đặc biệt sẽ đủ khả năng tiếp nhận và chăm sóc suốt đời cho khoảng 250 cá thể gấu theo mô hình bán hoang dã. Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Trưởng Đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam, Giám đốc Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo cho biết: Một trong những mục tiêu quan trọng của Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo là nâng cao ý thức cộng động về bảo tồn động vật hoang dã và môi trường tự nhiên nói chung cũng như bảo tồn loài gấu ở Việt Nam nói riêng. Mục tiêu này được lồng ghép với các hoạt động của Vườn Quốc gia Tam Đảo về du lịch môi trường thân thiện, được tăng cường thông qua các đợt thăm quan trung tâm, giúp khách tham quan có thể tận mắt nhìn thấy các cá thể gấu trong hoạt động tự nhiên, nhận thức được sự cần thiết của việc chăm sóc và bảo tồn loài gấu, từ đó góp phần làm giảm nhu cầu đối với mật gấu, các sản phẩm từ gấu, cũng như các hoạt động liên quan đến việc bắt giữ gấu vì mục đích kinh tế. Hiện nay Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo đã nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức phi chính phủ và những nhân vật nổi tiếng…Đặc biệt năm 2010 đã nhận được giải thưởng Carole Noon Award dành cho Khu Bảo tồn xuất sắc của Hiệp hội Toàn cầu các khu Bảo tồn Động vật (GFAS). Từ khi thành lập cho đến nay, hàng năm số lượng du khách đến tham quan Trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo đều tăng. Bởi khi tham gia du lịch sinh thái con người được hòa nhập vào thiên nhiên, tìm được những giây phút thư giãn, góp phần bảo vệ môi trường và bảo lưu nền văn hóa bản địa. Điểm du lịch này trở thành một nét mới trên hành trình đến với Vĩnh Phúc, đến với Tam Đảo của du khách. Nguyễn Hoàn |