PV: Các phong trào thi đua của hội viên nông dân trong những năm qua luôn được đánh giá khá hiệu quả. Năm 2012, các phong trào thi đua này có nét gì mới thưa đồng chí? Trong những năm qua, các cấp HND trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả ba phong trào, đó là: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng; Phong trào nông dân xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa, bảo vệ môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp; Phong trào nông dân tham gia giữ gìn an toàn giao thông đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Trong đó, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Thông qua phong trào này, số hộ nghèo ngày càng giảm, hàng năm có hàng trăm gia đình nông dân đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống nông dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Nét mới của các phong trào này trong năm 2012 là “Nông dân chung tay XDNTM”. Vận động nông dân hiến đất, ngày công lao động để làm đường giao thông, xây dựng các công trình công cộng, trước mắt tập trung 20 xã điểm của tỉnh, phấn đấu cùng các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội hoàn thành chương trình XDNTM theo kế hoạch của tỉnh đề ra. PV: HND đã có chương trình cụ thể gì để tham gia XDNTM? Trong 19 tiêu chí XDNTM có 1 tiêu chí liên quan trực tiếp đến HND đó là tiêu chí thu nhập (tiêu chí 10). Để góp phần thực hiện tiêu chí này, HND tỉnh xây dựng chương trình “Nông dân tiến quân vào khoa học kỹ thuật, tích cực tham gia XDNTM” dựa trên căn cứ của Kết luận 61 ngày 3-12-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của HND Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, XDNTM, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” và Quyết định số 673 ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “HND Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020”. Chương trình này nhằm mục đích đưa Kết luận 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ vào cuộc sống một cách có hiệu quả, từng bước đáp ứng nhu cầu cần thiết của nông dân về khoa học kỹ thuật, về vốn, về vật tư thiết bị cho sản xuất và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông dân. Để triển khai chương trình này, HND tỉnh cụ thể hóa bằng các dự án, dược Thường trực Tỉnh ủy đồng ý cho xây dựng đó là: dự án “Trồng chuối tiêu hồng các xã ven sông huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường”, dự án “Nâng cao năng lực hiệu quả Quỹ hỗ trợ nông dân” để giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất, dự án “Vay vốn bảo toàn không tính lãi để đối ứng mua phân bón trả chậm cho nông dân” và dự án “Trồng mây dưới tán cây lâm nghiệp”. Các dự án này sẽ góp phần phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nông dân và bảo vệ môi trường, hiện nay đang chờ UBND tỉnh phê duyệt. PV: Cơ sở vật chất, hạ tầng khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh nhìn chung có khó khăn. Vậy theo ông, điều này sẽ được khắc phục thế nào trong thời gian tới? Theo tôi hiểu, XDNTM là quy hoạch sắp xếp lại cấu trúc nông thôn, xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng phương án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đạt chuẩn các tiêu chí do Nhà nước quy định. Hiện nay, cơ sở vật chất, hạ tầng của khu vực nông thôn ở một số nơi trên địa bàn tỉnh còn khó khăn, có nơi xuống cấp. Để khắc phục điều này, trước hết cần có nguồn lực tài chính, được huy động tổng lực từ hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước, huy động từ các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, huy động đóng góp của dân và từ các nguồn tài trợ khác. Các cấp HND tích cực tuyên truyền vận động nông dân hiến đất làm đường giao thông, hiến ngày công lao động và góp một phần kinh phí để cùng chung tay XDNTM. Đồng thời, về phía Nhà nước cần sửa đổi quy định thu hồi đối với đất cấy lúa để tháo gỡ những bế tắc trong chương trình XDNTM. PV: Có một thực tế đang diễn ra, đó là người nông dân, đặc biệt là đối tượng thanh niên sinh sống ở các vùng nông thôn không mặn mà gắn bó với những mô hình phát triển kinh tế ở gia đình, họ thường ra thành thị để tìm việc làm. Vậy trong thời gian tới, HND sẽ làm gì để hạn chế sự di cư này? Trong những năm gần đây, tiến trình CNH - HĐH đất nước phát triển nhanh chóng, ở tỉnh ta nông dân ở một số nơi dành đất cho phát triển công nghiệp, xây dựng thị tứ, làm đường giao thông, ... nên tình trạng dư thừa lao động ở nông thôn rất nhiều, nhất là ở lứa tuổi thanh niên, chỉ có số ít được tuyển dụng vào các nhà máy, công trường, xí nghiệp, số còn lại có tư tưởng “ly nông”, vì họ không có vốn, không có nghề để sản xuất hàng hóa, họ đổ xô ra thị tứ, thành phố làm thuê, thu nhập bình quân từ 100.000 - 150.000đồng/người/ngày cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp, họ không mặn mà gắn bó với mô hình phát triển kinh tế gia đình. Để hạn chế sự di cư này, HND các cấp phối hợp với Sở Lao động TB&XH, Sở Công thương, Sở NN & PTNT tổ chức các lớp dạy nghề để họ có tay nghề sản xuất ngay tại cơ sở, đồng thời phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh, Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương giúp họ vay vốn phát triển sản xuất. Tham mưu với UBND tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, phân bón, .... hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật để họ yên tâm sản xuất có thu nhập ổn định trên một ô chuồng, một đơn vị diện tích, giúp họ tìm kiếm thị trường, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm để nông dân có địa chỉ trao đổi, tiêu thụ sản phẩm ổn định, từ đó họ gắn bó hơn với đồng ruộng. Nguyễn Khuyến Hoàn (thực hiện) |