Để xây dựng "Ngôi nhà an toàn", phòng tránh tai nạn thương tích (TNTT) cho trẻ, các bậc cha mẹ cần có kiến thức, sự cẩn trọng trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ; tạo dựng môi trường sống để trẻ luôn được an toàn trong chính gia đình mình.
Gia đình chị Thiều Thị Ninh, xã Hồng Châu (Yên Lạc) luôn quan tâm chăm sóc, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ. Ảnh: Dương Chung
Tháng 2/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận bệnh nhi T.G.B, 7 tháng tuổi ở huyện Tam Dương bị hóc dị vật. Kết quả chụp X-quang cho thấy, dị vật có hình tròn cản quang chồng hình trong trung thất.
Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn chỉ định nội soi gắp dị vật cho trẻ. Dị vật được gắp ra là cánh hoa nhung bọc kẽm uốn tròn có 1 đầu nhọn đường kính 1,5cm. Các bác sĩ xử lý kịp thời nên không xảy ra nguy hiểm.
Thời gian qua đã xảy ra không ít vụ trẻ em bị TNTT ngay tại gia đình. Ngoài bị hóc dị vật, trẻ có thể bị bỏng do nước sôi, lửa; điện giật; ngã cầu thang, lan can, nhất là ở những chung cư cao tầng; bị động vật cào, cắn… dẫn đến tử vong hoặc thương tật cho trẻ.
Nguyên nhân gây TNTT ở trẻ em ngay tại ngôi nhà của mình trước hết là do sự hiếu động, tò mò, nghịch ngợm của trẻ. Các em chưa nhận thức được đầy đủ những mối nguy hiểm tiềm ẩn ở xung quanh mình; chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị TNTT.
Bên cạnh đó, sự chủ quan, bất cẩn, thiếu kiến thức của người lớn; thiếu sự quan tâm, giám sát con trẻ; nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống TNTT cho trẻ còn hạn chế; môi trường sống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn…
Để phòng, chống TNTT cho trẻ tại gia đình, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai mô hình “Ngôi nhà an toàn”, phòng chống TNTT trẻ em. Theo đó, ngôi nhà được công nhận an toàn phải đảm bảo đạt 23/33 tiêu chí, trong đó có 15 tiêu chí bắt buộc như: Khu bếp phải riêng biệt có cửa ngăn và có khóa để trẻ dưới 6 tuổi không tiếp xúc được; phích nước phải có hộp đựng hoặc dây đai giữ và để ở vị trí an toàn ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi; dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn nếu đi bên ngoài tường...
Để thực hiện tốt các tiêu chí, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức tập huấn cho cán bộ cấp huyện, cấp xã và cộng tác viên về cách phòng tránh TNTT trẻ em, các chỉ tiêu đánh giá Ngôi nhà an toàn, các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em và hướng dẫn một số kỹ thuật sơ cấp cứu thông thường...; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức kiểm tra, đánh giá từng tiêu chí về việc thực hiện "Ngôi nhà an toàn" cho trẻ em tại các gia đình.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng chống TNTT, đuối nước cho trẻ em; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng, hướng dẫn các em các kiến thức, kỹ năng trong phòng, chống đuối nước, tự bảo vệ bản thân trước nguy cơ bị xâm hại; xây dựng hơn 800 địa chỉ tin cậy và hơn 400 đường dây nóng nhằm can thiệp hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình…
Việc xây dựng “Ngôi nhà an toàn” đã giúp các bậc cha mẹ và những người chăm sóc trẻ nâng cao nhận thức về các mối hiểm họa xung quanh và trong nhà có thể gây TNTT cho trẻ; giảm đến mức thấp nhất các TNTT ở trẻ em.
Sau khi được địa phương tuyên truyền, vận động tham gia mô hình “Ngôi nhà an toàn” phòng, chống TNTT cho trẻ, chị Đỗ Thị Hương, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) đã có thêm kiến thức về phòng tránh TNTT cho trẻ ngay tại gia đình.
Chị Hương chia sẻ: "Nhà tôi có 3 con. Các con còn nhỏ nên khá hiếu động. Để bảo đảm an toàn cho các cháu, gia đình tôi luôn quan tâm, chăm sóc trẻ; các đồ dùng trong gia đình sắp xếp ngăn nắp, cầu thang có dây chắn bảo vệ để trẻ không chui qua; bố trí dây điện, ổ điện, phích nước và các vật dụng như dao, kéo, vật sắc nhọn, phích nước nóng, bát, đĩa... khuất tầm nhìn hoặc xa tầm với của trẻ. Các thành viên trong gia đình tự trang bị các kiến thức phòng tránh TNTT để có cách xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra”.
Để phòng, chống TNTT cho trẻ tại gia đình, điều quan trọng nhất là mỗi phụ huynh phải nâng cao trách nhiệm, chú ý quan tâm, quan sát khi con chơi đùa, loại trừ nguy cơ có thể gây TNTT cho trẻ; trang bị kiến thức về TNTT và các biện pháp phòng tránh, kiến thức về sơ cấp cứu khi trẻ không may gặp tai nạn.
Đồng thời trang bị kiến thức, xây dựng kỹ năng, biện pháp phòng, chống TNTT cho trẻ tự bảo vệ bản thân… Qua đó góp phần xây dựng môi trường sống an toàn để trẻ được phát triển toàn diện.
Minh Thu