Thảo luận tại hội trường về Luật Nhà giáo sáng nay (20/11), các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với quy định lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Giáo viên được xếp thang bậc lương cao nhất
Đại biểu Trần Văn Thức, đoàn Thanh Hóa dẫn Báo cáo Tổng kết thi hành pháp luật về nhà giáo kèm theo Hồ sơ dự án luật cũng như ý kiến của cử tri, đánh giá của xã hội cho thấy: Mức lương, mức phụ cấp ưu đãi của nhà giáo (đặc biệt là giáo viên mầm non, phổ thông) hiện đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức ngành khác và đặc biệt là viên chức khối đoàn thể trên cùng địa bàn.
Đại biểu Trần Văn Thức, đoàn Thanh Hóa.
Lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống, nhất là những giáo viên trẻ, mới vào nghề và sống ở khu vực đồng bằng, thành phố.
“Áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số giáo viên còn thiếu và chuẩn bị đội ngũ triển khai chương trình sách giáo khoa mới…”, đại biểu đoàn Thanh Hóa cho hay.
Về lương của nhà giáo “được ưu tiên xếp cao nhất” trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI sau hơn 10 năm vẫn chỉ dừng ở mức độ là tuyên ngôn, không thể đi vào đời sống khi Chính phủ không quy định bảng lương riêng đối với nhà giáo.
“Thực tế còn cho thấy khẳng định về lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong Nghị quyết số 29 chỉ dừng lại và chưa đi vào thực tế cuộc sống, chúng tôi thấy dự án Luật lần này đã đảm bảo hiện thực hóa điều đó”, đại biểu Trần Văn Thức nêu rõ.
Đại biểu Châu Quỳnh Dao, đoàn Kiên Giang.
Góp ý về tiền lương và chế độ đãi ngộ cho nhà giáo, đại biểu Châu Quỳnh Dao, đoàn Kiên Giang cho biết, theo kết quả một nghiên cứu thực tế về đời sống nhà giáo vùng Nam bộ cho thấy, thu nhập nhà giáo chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hàng tháng. Đây là nhóm không có nghề tay trái; còn nhóm có nghề tay trái cũng chỉ đạt 62,55%.
Do vậy, đại biểu thống nhất với quy định về việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, đoàn Quảng Ngãi.
Đồng quan điểm đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, đoàn Quảng Ngãi cho rằng đời sống của một bộ phận nhà giáo còn khó khăn, chưa thể sống bằng nghề, chưa được quan tâm và bảo vệ xứng đáng từ xã hội.
Đại biểu đề nghị cần quy định rõ về quyền của nhà giáo liên quan đến việc làm, môi trường làm việc được bảo vệ an toàn, được tôn trọng. Đồng thời đề nghị cần quan tâm đến đời sống, thu nhập của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non và giáo viên trẻ. Bên cạnh đó, cần rà soát, điều chỉnh về bổ nhiệm, miễn nhiệm nhà giáo giữ chức vụ quản lý ở các cơ sở giáo dục.
Cần có cơ chế quản lý đối với việc dạy thêm, học thêm
Góp ý về quy định cấm học thêm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đoàn Bình Định cho rằng cùng một chương trình học, cùng một giáo viên, nhưng mức độ tiếp thu của học sinh khác nhau. Học lực trong một lớp có thể chia thành ba nhóm. Nhóm đạt tiêu chuẩn thường là 80%, nhóm vượt trội 9-10% và nhóm không theo kịp bạn bè 10%.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đoàn Bình Định.
Theo đại biểu, việc yêu cầu nhóm yếu học thêm để theo kịp bạn là cần thiết. Không chỉ với nhóm yếu, nhóm bình thường vẫn có nhu cầu học thêm để giỏi hơn và thi được vào trường tốt hơn.
“Nhóm vượt trội cần học thêm để đạt thành tích cao trong cuộc thi học sinh giỏi. Đây là điều “không nên hạn chế, thậm chí là khuyến khích”. Học thêm với mục đích “để có điểm cao hơn năng lực thực sự”, do người dạy thêm không khách quan, là điều cần chấm dứt”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh.
Đại biểu đoàn Bình Định đề xuất ngành giáo dục xây dựng ngân hàng đề thi của từng chủ đề ở các môn học. Cơ sở giáo dục nào cho phép thầy cô dạy thêm với chính học sinh của mình thì bài kiểm tra phải được lấy ngẫu nhiên từ ngân hàng câu hỏi. Việc này sẽ giúp tránh tình trạng tiêu cực, phân biệt đối xử với em không học thêm và phản ánh đúng năng lực học sinh.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy, Trưởng ban Dân vận tỉnh Ninh Thuận.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy, Trưởng ban Dân vận tỉnh Ninh Thuận, đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần nhìn nhận thật thấu đáo về quy định này bởi việc dạy thêm là nhu cầu thật của giáo viên và học thêm cũng là nhu cầu có thật của học sinh.
Nữ đại biểu phân tích ở đô thị, vùng có điều kiện kinh tế phát triển, nhiều cháu càng được gia đình đầu tư học tập. Không chỉ do học sinh học tập chưa tốt mới phải đi học thêm, học sinh có năng lực học tập tốt vẫn có nhu cầu học thêm nhằm nâng cao hơn ngoài kiến thức cơ bản. Nhất là những em có nguyện vọng thi vào trường chuyên, thi học sinh giỏi các cấp và thi vào trường đại học thuộc top đầu.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, cho rằng cơ quan quản lý về giáo dục phải tránh xu hướng “cái gì không quản lý được thì cấm”. Dẫn thực tế địa phương, đại biểu nói việc học thêm không chỉ từ bậc tiểu học. Hiện nay, phụ huynh là công nhân khi tăng ca, làm muộn chưa không đón con được có nhu cầu lớn gửi gắm con em cho thầy cô mang về nhà quản lý.
“Có người 8-9 giờ tối mới đón con được. Vậy, dự án luật cần có một cơ chế quản lý và để bảo vệ nhà giáo trong những trường hợp chính đáng này”, đại biểu Đỗ Huy Khánh cho biết đồng thời đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn cụ về việc học thêm, dạy thêm.
(Theo vov.vn)