Nhằm tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh, bảo vệ học sinh trước những tệ nạn xã hội (TNXH), các trường học trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống TNXH và phòng, chống vi phạm pháp luật cho học sinh.
Ngay từ đầu năm học, Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phòng, chống ma túy, bạo lực học đường và phòng, chống các TNXH khác cho học sinh.
Trường THPT Trần Phú đa dạng các hình thức tuyên truyền về tác hại của tệ nạn xã hội cho học sinh. Ảnh: Dương Chung
Trong hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, các nhà trường đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; kiến thức, kỹ năng về chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, phòng, chống ma túy, bạo lực học đường cho học sinh; triển khai hoạt động công tác xã hội và tư vấn tâm lý cho học sinh…
Các nhà trường đều chú trọng công tác phối hợp với công an địa phương để được hướng dẫn, hỗ trợ trong công tác đảm bảo, giữ an ninh trật tự, an toàn trường học.
Trong chương trình học chính khóa, các nhà trường thực hiện lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào môn học G iáo dục công dân, hoạt động trải nghiệm…
Để hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất giúp học sinh phát triển toàn diện, có sân chơi lành mạnh, bổ ích, tránh xa các TNXH, nhiều trường học đã tạo điều kiện để học sinh tham gia các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động thể thao, hoạt động xã hội…
Cô giáo Vũ Thị Tuyết Mai, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú cho biết: “Từ đầu năm học đến nay, nhà trường đã phối hợp với Công an tỉnh, Công an thành phố Vĩnh Yên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, giáo dục về nội dung phòng, chống TNXH như hướng dẫn kỹ năng, kiến thức khi tham gia mạng xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật; hậu quả và tác hại của ma túy; các thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ học sinh sử dụng ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp và ma túy “núp bóng” các loại thực phẩm như bánh kẹo, đồ uống, thảo mộc, thuốc lá điện tử và các giải pháp phòng ngừa; kỹ năng tham gia giao thông an toàn; phòng, chống HIV/AIDS…
Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trường học, không để các đối tượng xấu tiếp cận, lôi kéo học sinh, nhà trường luôn chú trọng công tác giám sát, bảo đảm an ninh trật tự trong và xung quanh phạm vi trường học bằng cách phân công tổ bảo vệ trực 24/24h, cử đội thanh niên xung kích cùng tham gia bảo vệ an ninh, an toàn trường học; giám sát, nắm bắt tình hình trong và xung quanh phạm vi trường học với hệ thống 72 camera an ninh tại các lớp học và 16 camera tại các vị trí trong, ngoài khu vực trường”.
Giáo viên Trường THCS Tam Đảo luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, từ đó giáo dục các em tránh xa các tệ nạn xã hội. Ảnh: Dương Chung
Để công tác giáo dục, bảo vệ học sinh trước các TNXH đạt hiệu quả, các nhà trường đã tăng cường phối hợp giữa gia đình và nhà trường, phát huy vai trò của gia đình trong công tác giáo dục và quản lý học sinh; thường xuyên thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình học sinh về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường của học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Đảo cho biết: “Học sinh của trường có đặc thù là đến từ nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện, nhiều em ở xa. Để công tác quản lý học sinh được thực hiện hiệu quả, nhà trường luôn công khai thời khóa biểu, giờ tan học, đến trường của học sinh trong nhóm Zalo của phụ huynh học sinh từng lớp, thông báo kịp thời nếu có thay đổi để phụ huynh theo dõi, quản lý con em; chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp thực hiện nghiêm túc kiểm diện đầu giờ và đột xuất trong giờ học để nắm chắc sĩ số, kịp thời thông báo cho phụ huynh khi học sinh vắng mặt không phép.
Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả giáo dục, với học sinh vi phạm quy định, nội quy, nhà trường chủ trương sử dụng “kỷ luật tích cực”, với các học sinh vi phạm lần đầu, không gây hậu quả nghiêm trọng, không phạt học sinh bằng các hình thức gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý như mời phụ huynh, phạt trực nhật, nêu tên trước toàn trường, thay vào đó, giáo viên có thể “phạt” học sinh đọc, viết bài thu hoạch về một cuốn sách với nội dung phù hợp; tuyên dương, khích lệ học sinh phát triển những thế mạnh, mặt tốt của bản thân… Với những biện pháp đó, tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm tốt của trường luôn đạt hơn 97%, không có học sinh hạnh kiểm yếu, trung bình”.
Bằng nhiều hình thức đa dạng, công tác phòng, chống TNXH trong các trường học trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Thời gian tới, các nhà trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, gia đình học sinh, bảo vệ học sinh trước các TNXH, góp phần xây dựng, giữ gìn sự an toàn, lành mạnh, nhân văn của môi trường giáo dục.
Thùy Linh