Nhằm nâng cao trách nhiệm của người được phân công giúp đỡ đối tượng đang áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường nhận thức rõ sai lầm, có ý thức sửa chữa, chấp hành quy định của pháp luật, ổn định cuộc sống nơi cư trú, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 01 “Quy định mức hỗ trợ cho người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Nhờ đó, công tác này ở các địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Lực lượng công an xã Duy Phiên (Tam Dương) tích cực tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 01 của Hội đồng nhân dân tỉnh đến đông đảo người dân trên địa bàn. Ảnh Trường Khanh
Năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 278 đối tượng được lập hồ sơ quản lý, giáo dục tại xã phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 228 người được phân công giúp đỡ người áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, gồm: 99 công an chính quy, chiếm 43,5%; 88 công an viên, chiếm 38,5% và 41 người thuộc lực lượng khác, chiếm 18%.
Thời gian qua, việc quan tâm, giúp đỡ người áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được UBND cấp huyện, xã quan tâm, chú trọng. Các cơ quan, tổ chức xã hội phối hợp thực hiện quản lý, giáo dục cũng như tổ chức các chương trình học tập, dạy nghề, hoạt động tư vấn, hỗ trợ giúp các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, công tác này còn những hạn chế như sự phối hợp giữa lực lượng công an cơ sở với các tổ chức quần chúng chưa được chặt chẽ; có lúc, có nơi còn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, coi việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là công việc và trách nhiệm của lực lượng công an, chính quyền địa phương.
Điều này dẫn đến một số đối tượng từng sử dụng trái phép chất ma túy không được giám sát chặt chẽ nên tiếp tục tái phạm, buộc phải chấm dứt áp dụng biện pháp giáo dục và đưa vào trung tâm cai nghiện.
Trước tình hình đó, ngày 5/5/2023, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 01 “Quy định mức hỗ trợ cho người được phân công trực tiếp giúp đỡ người được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Theo đó, kinh phí cho người được phân công trực tiếp giúp đỡ là 400 nghìn đồng/tháng đối với mỗi trường hợp được giáo dục, giúp đỡ.
Ngay khi Nghị quyết được ban hành, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền; Công an tỉnh đã đăng tải hàng chục tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung của Nghị quyết để đông đảo người dân được biết.
Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, địa phương chưa nhận thức đúng đắn trách nhiệm trong việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết. Việc ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện thủ tục xin cấp kinh phí còn chậm, muộn, dẫn đến một bộ phận người dân chưa tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Qua công tác kiểm tra cho thấy, năm 2023, trong tổng số 207/228 người thuộc diện được hưởng chế độ, mới có 16 người ở huyện Yên Lạc được nhận tiền chế độ, còn lại 191 người chưa nhận, do các đơn vị báo cáo hiện nay đang làm thủ tục hỗ trợ, cấp kinh phí theo quy định nên chưa có tiền.
Theo đánh giá của Công an tỉnh, việc ban hành Nghị quyết số 01 có ý nghĩa quan trọng, góp phần nâng cao trách nhiệm của các ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong phối hợp quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng. Vai trò, trách nhiệm của người được phân công giúp đỡ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng được nâng lên. Từ đó, các đối tượng được giúp đỡ ngày càng tiến bộ, có ý thức sửa chữa sai lầm, chủ động tránh xa tệ nạn xã hội, không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật...
Thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về tầm quan trọng của Nghị quyết số 01. Tổ chức tập huấn chuyên sâu cho người được phân công giúp đỡ; cán bộ làm công tác hướng dẫn, kiểm tra và cán bộ trực tiếp làm hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Năm 2024, đơn vị tăng cường kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 01 tại 11 đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc và có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Lê Minh