Quá trình 30 năm xây dựng và phát triển đã đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh vượt bậc của hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) trên địa bàn tỉnh. Trải qua nhiều khó khăn, thách thức, đến nay, hệ thống QTDND đã phát triển về quy mô và chất lượng hoạt động, khẳng định vai trò tích cực trong việc cung cấp dịch vụ tài chính ổn định, thường xuyên và lâu dài; tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, từ đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hệ thống QTDND được thành lập trên cơ sở Quyết định số 390, ngày 27/7/1993 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai đề án thí điểm thành lập QTDND. Năm 1997, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Ngày đầu tái lập, trên địa bàn tỉnh có 39 QTDND cơ sở được nhận bàn giao từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh Vĩnh Phú (cũ).
Năm 2000, NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc thu hồi giấy phép hoạt động, thực hiện giải thể đối với 7 QTDND không đủ điều kiện hoạt động do vi phạm trong hoạt động không thể phục hồi để hoạt động bình thường.
Tháng 8/2008, thực hiện bàn giao về thành phố Hà Nội 3 QTDND thuộc huyện Mê Linh. Từ năm 2011 - 2016, NHNN chi nhánh tỉnh cấp phép thành lập 2 QTDND. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 31 QTDND đang hoạt động tại 34 xã, phường, thị trấn, trong đó có 2 QTDND hoạt động liên phường.
Sau quá trình thí điểm thành lập trên toàn quốc đã phát sinh nhiều QTDND hoạt động yếu kém; trên địa bàn tỉnh có 3 QTDND trong diện kiểm soát đặc biệt, 7 QTDND phải thu hồi giấy phép. Trước tình hình đó, thực hiện Chỉ thị số 57, ngày 10/10/2000 của Bộ Chính trị về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND, NHNN chi nhánh tỉnh đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo củng cố, chấn chỉnh hoạt động QTDND thay thế Ban chỉ đạo thành lập thí điểm QTDND trước đó, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai, xây dựng phương án củng cố, chấn chỉnh, xử lý các QTDND yếu kém.
Trong quá trình triển khai, chi nhánh thường xuyên cử cán bộ nghiệp vụ xuống các QTDND cơ sở để kiểm tra, đôn đốc thực hiện; đặc biệt là thường xuyên tranh thủ sự giúp đỡ và sự phối kết hợp chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương và sự quan tâm chỉ đạo của NHNN Việt Nam.
Kết quả công tác củng cố, chấn chỉnh hoạt động QTDND theo Chỉ thị số 57, trong số các QTDND thuộc diện kiểm soát đặc biệt thì có 3 QTDND đã trở lại hoạt động bình thường, còn lại 7 QTDND không có khả năng khắc phục để trở lại hoạt động bắt buộc phải thu hồi giấy phép hoạt động.
Nhờ triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp củng cố, chấn chỉnh hoạt động QTDND theo hướng dẫn, chỉ đạo của NHNN Việt Nam và của NHNN chi nhánh tỉnh, hoạt động của các QTDND đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện; hệ thống QTDND ngày càng lớn mạnh về quy mô và chất lượng hoạt động, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, thúc đẩy chuyển dịch và phát triển kinh tế, từ đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 31/31 QTDND hoạt động hiệu quả, nợ xấu trên tổng dư nợ chiếm tỷ lệ thấp; các QTDND đều chủ động được nguồn vốn hoạt động, không phải vay Ngân hàng Hợp tác xã; kết quả kinh doanh hằng năm đều có lãi, thực hiện chi trả cổ tức cho thành viên ở mức cao, thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước và trích lập đầy đủ các quỹ theo quy định.
Tính đến hết tháng 9/2024, tổng số thành viên là 29.459 thành viên, bình quân 950 thành viên/quỹ; tổng vốn điều lệ đạt hơn 211 tỷ đồng, tăng hơn 204 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2000, tỷ lệ tăng 2.966% (vốn điều lệ bình quân 1 QTDND là hơn 6,8 tỷ đồng); tổng nguồn vốn hoạt động đạt hơn 5.450 tỷ đồng, tăng hơn 5.376 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2000, tỷ lệ tăng 7.195%, (bình quân 1 QTDND là hơn 175 tỷ đồng); tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 4.961 tỷ đồng, tăng hơn 4.909 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2000, tỷ lệ tăng 9.537%, (bình quân 1 QTDND đạt hơn 160 tỷ đồng); tổng dư nợ cho vay đạt hơn 3.592 tỷ đồng, tăng hơn 3.525 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2000, tỷ lệ tăng 5.223%, dư nợ cho vay bình quân 1 QTDND đạt hơn 115 tỷ đồng; tổng nợ xấu gần 6 tỷ đồng (chiếm 0,16%/tổng dư nợ).
Để có được những thành tựu đó, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, nhân viên làm việc tại hệ thống QTDND là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Chính phủ, NHNN Việt Nam, NHNN chi nhánh tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động của QTDND.
Ban lãnh đạo NHNN chi nhánh tỉnh luôn xác định việc quản lý các QTDND trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững là nhiệm vụ hàng đầu, trong đó đặc biệt quan tâm và coi trọng công tác nhân sự của quỹ.
Ngoài ra, chi nhánh thường xuyên phối hợp, liên hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc quản lý, giám sát hoạt động của QTDND; thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của QTDND; mời cấp ủy, chính quyền địa phương tham dự hội nghị chuyên đề, hội nghị tổng kết hoạt động QTDND.
Phát huy truyền thống và bề dày lịch sử 30 năm xây dựng và phát triển, thời gian tới, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát và kiểm toán nội bộ để đảm bảo phát triển hệ thống QTDND theo đúng mục tiêu, tôn chỉ của loại hình tổ chức tín dụng là hợp tác xã theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế; hoạt động an toàn, hiệu quả, ổn định và phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu về vốn, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của các thành viên QTDND, hướng tới mục tiêu chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên, thực hiện có hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Hoàng Duy Chinh
(Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Vĩnh Phúc)