Kỳ III: Xông pha thời chiến, cống hiến thời bình
Không chỉ hy sinh, cống hiến cả tuổi trẻ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước mà khi trở về đời thường, các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày vẫn không ngừng phát huy phẩm chất của người lính Cụ Hồ, người chiến sĩ cách mạng. Tuy còn đó nhiều khó khăn, nhưng những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày năm xưa đã thích ứng nhanh nhạy, góp tâm, góp sức cho công cuộc dựng xây đất nước, quê hương giàu đẹp, văn minh.
Thương binh tàn nhưng không phế
Năm 1966, khi đang học lớp 10, thanh niên Hà Thiên Văn, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) đã xung phong lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường Nam Bộ. Tháng 12/1967, trong một trận đánh ở Bình Định, ông Văn bị rơi vào tay địch, bị giam cầm tại nhà tù Phú Tài (Bình Định), sau đó đưa ra trại giam Phú Quốc.
Hơn 5 năm trong ngục tù, đến năm 1973, ông Văn được trả tự do, sau khi điều trị tại khu an dưỡng thì được đơn vị cho về phục viên, xuất ngũ. Trở về quê hương với thương tật 71%, một cánh tay bị thương nặng, mất xương quai xanh, vết thương thấu phổi thường xuyên đau đớn, nhưng ông Văn quyết không đầu hàng số phận, trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình.
Thương binh, cựu tù Hà Thiên Văn, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) năng động phát triển kinh tế gia đình từ trang trại tổng hợp. Ảnh: Minh Hường
Với sự kiên trì của người cựu tù, sự khéo léo của người lính Cụ Hồ, ông Văn đã thuyết phục gần 50 hộ dân dồn thửa, đổi ruộng và trở thành người tiên phong trong phong trào này ở địa phương. Trên diện tích 1,5 ha, ông Văn mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp nuôi vịt, trồng cây ăn quả, thả cá...
Nhờ chịu khó và biết nắm bắt thị trường, mô hình kinh tế của gia đình ông từng bước ổn định, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Ông Văn có điều kiện nuôi dạy 5 người con học hành thành đạt, trong đó, 4 người có trình độ đại học, 1 người có trình độ thạc sĩ, gia đình vinh dự được tuyên dương “Gia đình hiếu học tiêu biểu”, “Gia đình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu”...
Cựu tù Phú Quốc, thương binh 2/4 Trần Văn Thường ở xã An Hòa (Tam Dương) sau khi xuất ngũ, trở về quê hương đã miệt mài ôn luyện, thi đỗ Đại học Kinh tế quốc dân và tiếp tục con đường học tập.
Sau khi ra trường, ông về làm việc tại Nhà máy hoa quả Tam Dương và phấn đấu từ nhân viên lên quản đốc rồi Giám đốc nhà máy. Đời sống kinh tế gia đình ông Thường từ chỗ khó khăn đã ngày càng ổn định, con cái học hành thành đạt.
Không chỉ gương mẫu, nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, ông Thường còn ủng hộ hàng chục triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn và tôn tạo di ích lịch sử, hiến 60m2 đất làm đường giao thông nông thôn, mương thoát nước, đóng góp tích cực vào các phong trào, cuộc vận động ở địa phương, trở thành tấm gương sáng để nhân dân học tập, noi theo.
Sâu nặng nghĩa tình đồng đội
Được thành lập từ năm 2009, Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh là tổ chức tập hợp những người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, được tặng thưởng Kỷ niệm chương của Thủ tướng Chính phủ.
Mặc dù không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ về kinh phí, cán bộ hội không có phụ cấp, tuổi đời bình quân xấp xỉ 80, sức khỏe ngày càng giảm sút do phải chịu nhiều thương tật nơi chiến trường, bị kẻ thù tra tấn dã maǹ nơi ngục tù, nhưng những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày vẫn phát huy ý chí kiên trung và tinh thần đoàn kết để xây dựng tổ chức hội vững mạnh, có nhiều hoạt động thiết thực.
Cựu tù Phú Quốc Nguyễn Thái Học, xã Yên Dương (Tam Đảo) tích cực tham gia bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ảnh: Bình Duyên
Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày sinh sống ở các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh luôn gắn bó, đoàn kết với nhân dân và gương mẫu, giáo dục con cháu, vận động gia đình chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.
Nhiều đồng chí dù tuổi cao nhưng vẫn được tín nhiệm giữ các chức vụ ở cơ sở như Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam xã....
Phát huy khí tiết của người cộng sản, hội viên Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động của địa phương phát động, đóng góp tiền của, công sức, hiến đất làm đường, xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, giao thông nội đồng... góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh.
Hội đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động nghĩa tình, tri ân đồng đội, kịp thời quan tâm, động viên các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trong cuộc sống. 5 năm qua, các cấp hội đã thăm hỏi gần 300 lượt hội viên ốm đau, hoạn nạn; rà soát và đề nghị giải quyết 31 trường hợp hưởng chế độ trợ cấp người có công với cách mạng bị thất lạc hồ sơ gốc.
Bên cạnh đó, bằng những câu chuyện sinh động và chân thực trong lao tù gian khổ, nhiều chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia công tác bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Nhiều chiến sĩ mặc dù sức khỏe giảm sút vẫn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện, vì cộng đồng và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở các địa phương. Điển hình như thương binh nặng Trần Văn Luyện ở thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo).
Trước khi bị giam cầm trong lao tù, ông Luyện từng trực tiếp chôn cất nhiều đồng đội hy sinh khi chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên Huế. Sau khi bị tra tấn trong tù, ngày được trả tự do, ông Luyện trở về quê hương với đôi mắt bị mù hẳn.
Mặc dù vậy, nhưng khi được người nhà liệt sĩ hỏi thông tin, ông Luyện nói “chỉ cần đưa tôi đến đó, tôi sẽ chỉ chính xác vị trí liệt sĩ nằm”. Nhờ đó, ông đã giúp gia đình và cấp ủy, chính quyền tìm được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Ngọc Thuyết, quê ở thôn Nội Điện, xã An Hòa (Tam Dương) để tổ chức quy tập về nghĩa trang liệt sĩ.
Là tổ chức đặc biệt, chỉ bớt chứ không thêm hội viên, đồng chí Trần Văn Thường, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh trăn trở: “Khi mới thành lập, hội có 854 người, đến nay, chỉ còn 203 người, trong đó, người cao tuổi nhất là 96 tuổi, người ít tuổi nhất cũng đã 72.
Tuy không gia đình hội viên nào thuộc diện hộ nghèo nhưng vẫn còn nhiều người khó khăn trong khi chế độ hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế, sức khỏe của hội viên bị ảnh hưởng nhiều do thương tích, tra tấn.
Vì vậy, những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày rất mong muốn cấp ủy, chính quyền tỉnh có cơ chế động viên, hỗ trợ kịp thời để hội tiếp tục hoạt động có nhiều kết quả thiết thực. Qua đó góp phần chăm lo tốt hơn cho đối tượng người có công với cách mạng, tri ân những chiến sĩ đã trọn đời hy sinh vì Đảng, vì cách mạng”.
Bình Duyên