Thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động, góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Lao động nữ được tạo điều kiện để phát huy khả năng sáng tạo và thể hiện năng lực trong công việc. (Ảnh chụp tại Công ty cổ phần Giày Vĩnh Yên chi nhánh Tam Dương). Ảnh: Kim Ly
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, Sở LĐ-TB&XH tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BĐG, hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm…
Hình thức tuyên truyền đa dạng, linh hoạt, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, treo băng rôn, pano, áp phích, biên soạn tờ rời, tờ gấp, tổ chức hội thảo, hội nghị, tọa đàm, diễn đàn…
Trong đó, chú trọng sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, nam giới, trẻ em, thanh niên nhằm tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của các tầng lớp nhân dân.
Mở rộng cơ hội việc làm đối với lao động nữ, tỉnh đã triển khai, thực hiện nhiều chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển các ngành, nghề có nhu cầu lớn về lao động nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ đối với phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để phụ nữ được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng với các nguồn lực kinh tế cũng như cơ hội tham gia sản xuất, kinh doanh.
Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác điều tra, thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp để triển khai các biện pháp hỗ trợ giải quyết việc làm, duy trì việc làm cho lao động nữ kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn vốn của tỉnh ủy thác.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đa dạng các hình thức kết nối cung - cầu lao động, thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm cố định, lưu động, trực tuyến; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng số hóa, tạo điều kiện thuận lới để người lao động tìm được việc làm...
Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương mở lớp tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, phụ nữ; vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa các loại cây, con giống có giá trị cao vào sản xuất, chăn nuôi; vận động trao tặng cây, con giống, thiết bị, máy móc, vật tư nông nghiệp cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn…
Đồng thời chủ động khai thác các nguồn vốn để hỗ trợ vốn vay cho hội viên thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế, vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ TYM…
Đến nay, các cấp Hội Phụ nữ đang quản lý hơn 2.100 tỷ đồng cho hơn 45.000 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ, các chính sách đối với lao động nữ được thực hiện thường xuyên. Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ thông qua các chương trình tiếp xúc, đối thoại, từ đó, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của lao động nữ trong tìm kiếm việc làm, tiếp cận các thông tin của thị trường lao động và trong quá trình làm việc.
Với nhiều giải pháp thiết thực, công tác BĐG trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ lao động nữ làm công việc hưởng lương ngày càng tăng; toàn tỉnh hiện có hơn 400 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đạt hơn 26%, vượt mục tiêu kế hoạch của Trung ương.
Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều quan tâm, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về BĐG. Lao động nam và lao động nữ đều bình đẳng trong tuyển dụng, bố trí công việc, đào tạo, trả lương, tăng lương…
Nhiều doanh nghiệp quan tâm, ưu tiên chăm lo cho lao động nữ với nhiều chế độ, phúc lợi đặc thù như giảm giờ làm việc đối với phụ nữ đang mang thai; xây dựng và duy trì hiệu quả phòng vắt, trữ sữa cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ; tặng quà cho lao động nữ nhân dịp 8/3, 20/10; kiểm tra sức khỏe định kỳ, khám tầm soát ung thư vú cho lao động nữ…
Công ty TNHH FWKK Việt Nam (Lập Thạch) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên gia công, sản xuất hàng may mặc. Ông Nguyễn Khắc Trí, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: "Với đặc thù hơn 80% lao động là nữ, công ty có nhiều chính sách, chế độ phúc lợi ưu tiên cho lao động nữ như bố trí khu vực nghỉ riêng để lao động nữ đang mang thai hoặc sau sinh có thời gian nghỉ ngơi giữa các ca làm việc và vẫn tính đủ tiền công; sau thời gian nghỉ sinh con theo quy định của pháp luật, lao động nữ được nghỉ thêm 1 tháng và được hưởng 100% lương; hỗ trợ kinh phí cho lao động nữ đang nuôi con dưới 6 tuổi…".
Thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao vị thế, quyền năng của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, xã hội về BĐG; thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tăng khả năng tiếp cận của phụ nữ đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về BĐG…
Phương Anh