Vĩnh Phúc không chỉ là quê hương của nhiều anh hùng hào kiệt, mà còn in dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Kế thừa truyền thống cách mạng của cha ông, Vĩnh Phúc tiếp tục vươn mình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Câu lạc bộ hát Soọng cô thôn Trung Mầu, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) thường xuyên luyện tập, góp phần gìn giữ văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Ảnh: Kim Ly
Vĩnh Phúc là vùng đất cổ, nơi tụ cư sinh sống của người Việt cổ xưa. Nơi đây có địa thế “Núi bọc sông bao, sơn kỳ thủy tú”, địa hình, cảnh quan đa dạng với núi cao, sông dài, đầm hồ, tạo ra nhiều thắng cảnh đẹp, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng.
Từ các hiện vật khai quật được tại di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu (Yên Lạc), Lũng Hòa (Vĩnh Tường)… cho thấy, trong diễn trình lịch sử văn hóa dân tộc, người Việt cổ đã dừng chân và định cư lâu dài ở Vĩnh Phúc từ hàng nghìn năm trước, hình thành nên đồng bằng Bắc Bộ, tạo ra nền văn minh sông Hồng, văn minh lúa nước.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cùng những tác động của tự nhiên, con người đã tạo nên một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sắc. Vĩnh Phúc có hơn 1.300 di tích đình, đền, chùa, miếu, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt, cấp tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện còn lưu giữ nhiều lễ hội, phong tục tập quán, làn điệu dân ca, dân vũ… mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền.
Đình Thổ Tang (Vĩnh Tường) còn lưu giữ gần như nguyện vẹn kiến trúc cổ mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Ảnh: Kim Ly
Vĩnh Phúc được biết đến là “vùng đất học” với 388 người đỗ khoa trường, trong đó có 86 vị đỗ hàng đại khoa và 302 vị đỗ hàng trung khoa. Đặc biệt, tỉnh có 4 tiến sĩ (Lê Thúc Chẩn, Nguyễn Trịnh, Nguyễn Tư Phúc, Trần Doãn Hựu) được khắc tên trên bia đá tại Văn miếu Quốc Tử Giám.
Vĩnh Phúc là quê hương của nhiều anh hùng hào kiệt, những hiền tài xuất chúng có công lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trên mảnh đất này đã diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa chống lại ách xâm lược của giặc ngoại bang. Mở đầu trang sử hào hùng ấy là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 40 - 43 sau Công nguyên). Cuộc khởi nghĩa mang khí phách hào hùng của nhân dân Vĩnh Phúc, mở đầu cho thời kỳ đấu tranh giữ nước của dân tộc.
Sang đến thế kỷ VI, nhân dân Vĩnh Phúc tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (tức Lý Nam Đế). Đến nửa cuối thế kỷ X, Nguyễn Khắc Khoan, một hào kiệt người Yên Lạc đã có công phù trợ Ngô Quyền đánh quân Nam Hán. Thế kỷ XIII, nhân dân Vĩnh Phúc cùng vua, tôi nhà Trần 3 lần chiến đấu chống quân Nguyên Mông xâm lược. Bảy anh em họ Lỗ, quê ở huyện Lập Thạch đánh bại quân Nguyên cố thủ ở làng Nhật Chiêu (Yên Lạc), diệt hơn 1.000 tên giặc.
Đến thế kỷ XV, cuộc kháng chiến chống quân Minh trên mảnh đất Vĩnh Phúc ghi danh danh tướng Trần Nguyên Hãn (quê ở vùng Sơn Đông, Lập Thạch). Ông tham gia chỉ huy hầu hết các trận đánh quan trọng trong khởi nghĩa Lam Sơn, được vua Lê Lợi phong chức Tả Tướng quốc và ban tặng lá cờ thêu 4 chữ “Khai Quốc Nguyên Huân”.
Thế kỷ XVIII, trên đất Vĩnh Phúc đã diễn ra phong trào khởi nghĩa nông dân do quận Hẻo (Nguyễn Danh Phương), người xã Tiên Sơn, huyện Yên Lạc (nay thuộc phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên) làm thủ lĩnh. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Vĩnh Phúc có nhiều nhân tài kiệt xuất đứng lên giúp nước như Nguyễn Thái Học, Trịnh Văn Cấn (tức Đội Cấn), Nguyễn Viết Xuân…
Lễ hội Trâu rơm bò rạ ở xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) được bảo tồn và phục dựng nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa của địa phương. Ảnh: Kim Ly
Vĩnh Phúc là nơi khởi nguồn của đổi mới tư duy quản lý nông nghiệp - nông thôn, với phương thức “khoán hộ” vào cuối những năm 60, 70 của thế kỷ XX. Đó là bước đi mang tính đột phá, tạo cơ sở thực tiễn cho đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Đảng ta sau này.
Phát huy truyền thống của quê hương “Khoán hộ”, trong thời kỳ đổi mới, Vĩnh Phúc ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, cơ chế đột phá, đặc biệt là về công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, nông thôn, đạt nhiều thành tựu nổi bật.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, có năm tăng trên 20%. GRDP bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm, năm 2023 đạt 130,5 triệu đồng/người. Thu ngân sách Nhà nước luôn vượt mục tiêu đề ra và nằm trong tốp các tỉnh có số thu ngân sách cao nhất của cả nước, năm 2023 đạt gần 32,4 nghìn tỷ đồng; 6 tháng năm 2024, đạt hơn 15.500 tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thu hút đầu tư trở thành điểm sáng của cả nước. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng, 100% các xã trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đang tiếp tục duy trì đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định giai đoạn 2021 - 2025; 34 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Yên Lạc và huyện Bình Xuyên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, phục vụ tốt đời sống của nhân dân. Giáo dục và đào tạo đạt nhiều thành tựu nổi bật, được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. 2 năm liên tiếp (2023-2024), kết quả thi tốt nghiệp THPT đứng đầu toàn quốc.
Năm học 2023 - 2024, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục giữ vị trí tốp đầu toàn quốc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước.
Các thế hệ người dân Vĩnh Phúc hôm nay đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực khơi dậy, phát huy truyền thống vùng đất “địa linh nhân kiệt”, biến những giá trị lịch sử, văn hóa quý báu trở thành nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh mạnh mẽ để xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bạch Nga