Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã không ngừng nỗ lực và đạt được những thành tựu đáng tự hào.
Mô hình trồng dưa Nhật trong nhà màng của gia đình anh Tạ Văn Hiệp, xã Văn Tiến (Yên Lạc) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Thế Hùng
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy và nhân dân tỉnh Vĩnh Phú cũ (nay là Vĩnh Phúc) đã hăng hái tham gia phong trào thi đua lao động sản xuất; khuyến khích nông dân đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật, thâm canh tăng vụ và đưa nhiều giống mới có năng suất cao vào sản xuất trên diện rộng.
Đến cuối năm 1970, vụ Mùa toàn tỉnh đạt năng suất bình quân cao hơn năm 1969 là 8,5%; tổng sản lượng quy thóc tăng 3 vạn tấn, lần đầu tiên Vĩnh Phú đạt mục tiêu 5 tấn thóc/ha cả năm.
Giai đoạn 1982-1985, sản lượng lương thực quy thóc tăng từ 353 nghìn tấn lên 398 nghìn tấn. Đặc biệt, Hợp tác xã Hợp Thịnh (Tam Dương) là nơi có sáng kiến trồng cây ngô đông trên nền đất ướt, mở đầu cho phong trào vụ đông ở vùng đồng bằng, sau đó mở rộng đến các vùng trung du, miền núi của tỉnh. Năm 1987, diện tích ngô đông tăng gấp 2 lần năm 1986.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhất là từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết số 03/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020.
Đây được coi là Nghị quyết của “Ý Đảng - Lòng dân”, hướng tới một nền nông nghiệp tiên tiến, là một trong những cơ sở thực tiễn để Trung ương ban hành Nghị quyết số 26/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và là tiền đề để tỉnh thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt kết quả cao.
Từ năm 2002, tỉnh có chủ trương hỗ trợ thủy lợi phí cho sản xuất trồng trọt, đến năm 2007 đã miễn 100% thủy lợi phí cho sản xuất trồng trọt, năm 2010 miễn thủy lợi phí cho nông nghiệp và hỗ trợ phí dịch vụ thủy lợi nội đồng.
Tỉnh đã đầu tư hệ thống công trình thủy lợi và đã có 4.500/5.300 ha đất canh tác khó khăn nguồn nước đã được tưới tiêu chủ động, diện tích tưới chủ động tăng từ 75% năm 1997 lên hơn 95% năm 2023. Qua đó mở ra hướng mới cho phát triển nông nghiệp - nông thôn của tỉnh; đời sống nông dân ngày càng được nâng cao.
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong bức tranh nông nghiệp của tỉnh là đưa sản xuất phát triển toàn diện với sự chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa, từng bước gắn sản xuất với chế biến và thị trường; cơ giới hóa ở hầu hết các khâu sản xuất; hình thành một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, gieo trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế tăng gấp 3-4 lần so với cây trồng truyền thống.
Nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất giúp năng suất lúa tăng từ 34,18 tạ/ha năm 1997 lên 59,29 tạ/ha năm 2023 (gấp 1,7 lần năm 1997).
Sản phẩm trồng trọt đã đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm trong tỉnh, góp phần phát triển chăn nuôi và cung cấp lượng hàng hóa lớn cho các tỉnh, thành phố lân cận và các tỉnh miền núi phía Bắc, một phần nhỏ xuất khẩu.
Để phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn mới, năm 2023, tỉnh đã triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và hữu cơ; hỗ trợ gần 1,3 tỷ đồng xây dựng, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản; hỗ trợ giống lúa chất lượng và chất lượng cao.
Triển khai mô hình áp dụng công nghệ số trong sản xuất thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch; ứng dụng phun thuốc bảo vệ thực vật sử dụng máy bay không người lái trong trồng lúa...
Qua đó đưa giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích canh tác năm 2023 đạt 150 triệu đồng/ha, tăng 3,5% so với năm 2020; thu nhập đạt 68,8 triệu đồng/ha canh tác, tăng 5,8% so với năm 2020.
Nông dân xã Phú Xuân (Bình Xuyên) đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Thế Hùng
Năm 2023, tăng trưởng toàn ngành Nông nghiệp đạt ở mức cao (5,29%), đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 9 cả nước.
Chăn nuôi phát triển khá, đàn bò sữa đạt 17,6 nghìn con, đứng thứ 6 cả nước; đàn gia cầm hơn 12 triệu con, đứng thứ 12 cả nước.
Tỉnh đã khởi công dự án chăn nuôi, giết mổ, chế biến bò thịt Tam Đảo với quy mô chăn nuôi 10.000 con, công suất giết mổ 20.000 con/năm.
Hơn 55 năm qua, những chỉ dẫn của Người trong Di chúc vẫn là “kim chỉ nam” để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Đến nay, kinh tế - xã hội của tỉnh đã chuyển mình mạnh mẽ; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có 4/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 100% số xã đạt chuẩn NTM; 34 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã được công nhận NTM kiểu mẫu, 177 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, 6 thôn đạt chuẩn NTM thông minh.
Mai Liên