Vĩnh Phúc được coi là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam. Đã có nhiều cuộc hội thảo của các Nhà nghiên cứu Văn hóa về vấn đề này. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên không phải bỗng dưng được xây dựng trên nền một ngôi chùa cổ - đây chính là ý đồ sâu sắc được gửi gắm đến thế hệ sau về một vùng đất thiêng đã có bước chân của phái bộ Vua A Dục đặt đến truyền bá Phật Pháp. Khoảng thế kỷ thứ III, có một vị hòa thượng là Khương Tăng Hội dừng chân nơi đây, dựng chùa truyền giáo, vì thế nơi đây là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Thiền học Việt Nam được khởi đầu với hòa thượng Khương Tăng Hội, ông cũng đem Thiền học sang truyền bá ở Trung Quốc thời Tôn Quyền (năm 247). Vùng đất Vĩnh Phúc có một nhân vật mà ngay từ buổi sơ khai của lịch sử dân tộc đã xuất hiện mà công tích, hành trạng và tên tuổi của bà luôn gắn liền với Nhà nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước, để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm thức nhân dân với hệ thống các di tích dày đặc thuộc xã Đại Đình: Đền Mẫu Sinh, đền Mẫu Hóa, đền Thỏng, đền Thượng và trải rộng trên các địa bàn thuộc sơn hệ Tam Đảo; đó là Quốc Mẫu Lăng thị Tiêu - Chính Vương phi của Vua Hùng Chiêu Vương thứ VII. Theo Ngọc phả thời Hùng Vương, Quốc Mẫu Tây Thiên họ Lăng, tên chữ là Ngọc Tiêu, người thôn Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo. Bà đã có nhân duyên cùng vua Hùng thứ VII là Chiêu Vương, khi nhà vua lên núi Tam Đảo cầu “Tiên tử”. Trở thành Hoàng phi, bà đã giúp nhà vua đánh đuổi giặc ngoại xâm, mở ra một triều đại mới với 7 đời vương kế tiếp nhau trị vì đất nước. Đây là thời kỳ thiên hạ thái bình, xã hội ổn định kéo dài tới 200 năm. Bà là người xinh đẹp, giỏi giang, có tài thao lược, giúp vua Hùng đánh giặc giữ nước Văn Lang, dạy dân trồng lúa nước. Khi mất, bà được phong là Quốc Mẫu. Những nơi bà đi qua như : chiêu binh, đồn trú, hành cung, quê quán hoặc có sự tích được nhân dân lập đền miếu phụng thờ. Quanh vùng chân núi Tam Đảo hiện có 53 điểm di tích thờ cúng Bà. Từ cội nguồn nảy sinh, hình thành và phát triển, trải qua những biến thiên, thăng trầm của lịch sử, người dân nơi đây tiếp tục duy trì một hệ thống những thần tích, thần phả, di tích và nghi thức tưởng nhớ công đức Quốc Mẫu, tạo nên một vùng tín ngưỡng và lễ hội độc đáo, linh thiêng đầy lan tỏa. Khu danh thắng Tây Thiên thuộc dãy Tam Đảo được coi là một quần thể di tích – danh thắng tổng hợp. Ở đây có đủ loại các di tích lịch sử - văn hóa như: di tích khảo cổ (Đồng Cổ, Thiên Ân), di tích lịch sử (bia đá chữ, Đồng Ma, Ao Dứa), di tích kiến trúc nghệ thuật (đền Thượng), danh lam thắng cảnh (thác Bạc, suối Vàng). Tây Thiên - ngay từ tên gọi địa danh đã gắn với cửa Phật. Cho đến ngày nay, Tây Thiên đã trở thành điểm du lịch, du lịch tâm linh thu hút số lượng lớn du khách đến với Vĩnh Phúc. Thiền viện Trúc Lâm khánh thành năm 2005 ở chính khu vực chùa Thiên Ân xưa lập tức trở thành một điểm đến lý tưởng của Phật tử và nhân dân cả nước. Du khách đến Vĩnh Phúc, điểm đến đầu tiên thường lên với Tây Thiên, Tam Đảo. Tam Đảo cũng được coi là núi thiêng, là “núi cha – núi mẹ” của người Lạc Việt qua truyền thuyết còn để lại: “Có một người con gái theo sứ xuống núi, ra trận chỉ lấy đá mà ném, giết được nhiều giặc ngay tại cửa ngõ thành Phong Châu. Giặc tan, nàng lại trở về núi. Tương truyền người con gái này chính là hiện thân của thần núi Tam Đảo. Người sau này còn giúp hoàng tử Lang Liêu làm bánh chưng bánh dày”. Theo quan niệm dân gian : thần núi Tản Viên (Ba Vì) thuộc dương tính, thần núi Tam Đảo thuộc âm tính. Bởi vào thời Hùng Vương, Tản Viên và Tam Đảo là hai ngọn núi lớn chấn ngự cả một vùng là nước Văn Lang (một ngọn ở phía Tây, một ngọn ở phía Đông). Theo những chuỗi thời gian, lịch sử này, kịch bản cho phần “Vĩnh Phúc – đến cõi thiêng - về với Mẫu” trong Tuần Văn hóa - Du lịch Vĩnh Phúc 2013 bám sát chủ đề qua những tư liệu màn hình clip phát trong từng phân đoạn, qua những hoạt cảnh kết hợp múa đương đại - kịch hình thể, người xem sẽ cảm nhận một cõi thiêng qua việc sử dụng âm thanh - ánh sáng, tạo không khí huyền ảo, dịu dàng và khoan hòa cho một không gian văn hóa đặc thù “Văn hóa Mẫu”. (Còn tiếp) Thu Thủy |